Tuần sau, học sinh (HS) TP.HCM sẽ bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024 với 16 ngày. Trong khoảng thời gian này, hầu như những năm trước, giáo viên (GV) đều giao bài tập về nhà, các nhiệm vụ học tập để HS thực hiện với mục đích các em “vui chơi không quên nhiệm vụ”. Nhưng đến năm nay, có nhiều trường, nhiều GV đã thay đổi “thói quen”.
GIAO QUYỀN CHỦ ĐỘNG HỌC TẬP CHO HỌC SINH
Hàng ngàn HS của Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú) tỏ ra hào hứng và thích thú khi trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới sẽ không phải lo lắng về hoàn thành bài tập về nhà như những năm trước. Được biết ngay từ ngày 18.1, trường này có thông báo về việc không giao bài tập về nhà cho HS trong thời gian nghỉ tết nhằm “tạo điều kiện cho HS có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ý nghĩa, HS có cơ hội được trải nghiệm, tìm hiểu phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc vào ngày tết sum họp, vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái cùng gia đình”. Nhà trường đề nghị GV thực hiện nghiêm túc thông báo nói trên để HS được hưởng trọn vẹn những ngày tết cổ truyền bên gia đình. Sau thời gian này, GV có kế hoạch bổ sung kiến thức cho HS đầy đủ.
“Hãy “quẳng” đi những xấp đề cương dày cộm, hàng chục, hàng trăm bài tập gây áp lực mà thay vào đó là tâm thế thoải mái vui vẻ bước vào kỳ nghỉ tết cổ truyền của đất nước” là chủ trương của Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) nhằm tạo cho HS kỳ nghỉ tết vui vẻ. Tuy vậy bên cạnh đó, lãnh đạo trường này cho hay GV các bộ môn cập nhật toàn bộ bài giảng, hướng dẫn học tập trên hệ thống dạy học trực tuyến của trường, HS có thể chủ động tự học trong thời gian phù hợp, khi có hứng thú hay dành để các em khai bút đầu xuân, tạo động lực và đặt ra mục tiêu học tập cho năm mới.
Tương tự, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức) cũng chủ động không giao bài tập về nhà cho HS trong kỳ nghỉ này. Bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay Chương trình GDPT mới giao quyền chủ động trong học tập cho HS nên các em tự chủ động trong việc nắm bắt kiến thức và thực hành. Trong mỗi tiết dạy, GV cho HS giải quyết bài tập trên lớp, đồng thời khuyến khích, rèn kỹ năng tự học cho các em. Trên tinh thần đó, nhà trường cùng các GV sẽ hướng đến giáo dục các em khả năng chủ động và ý thức học tập chứ không ép buộc hay gây áp lực vào kỳ nghỉ tết.
Ban giám hiệu Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1) cũng quán triệt tinh thần “nghỉ tết vui vẻ, lành mạnh, tạo động lực cho năm mới” đến GV, HS, phụ huynh. Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay đã lưu ý GV không gây áp lực cho HS bằng bài tập mà dành cho các em khoảng thời gian vui vẻ. Điều này càng quan trọng với HS cuối cấp vì chỉ ngay sau Tết Nguyên đán là các em bước vào giai đoạn chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Tuy nhiên theo ông Khoa, nhà trường cũng kêu gọi phụ huynh thấu hiểu tâm lý của các con để cùng với GV và nhà trường tạo không khí vui vẻ thoải mái nhất cho các con.
DÀNH THỜI GIAN CHO HỌC SINH SUM HỌP CÙNG GIA ĐÌNH
GV Lê Minh Huy, tổ toán Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11), cũng cho hay không ép buộc, không giao bài tập và không yêu cầu HS phải hoàn thành trong dịp tết.
Tại sao cứ phải giao bài tập về nhà dịp tết và hãy bỏ suy nghĩ cứ nghỉ dài ngày là phải giao bài tập để HS không quên kiến thức? Đây là quan điểm của lãnh đạo nhiều trường và GV chia sẻ với phóng viên Thanh Niên.
Yêu cầu không giao bài tập về nhà dịp tết
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), thẳng thắn nói: “Môn nào cũng có đề cương, cũng giao bài tập thì HS còn gì là nghỉ tết? Những em có ý thức học tập thì lúc nào cũng lo ngay ngáy phải hoàn thành; ngược lại những HS ý thức chưa tốt thì có “buông”. Thế thì việc giao bài tập còn ý nghĩa? Tất cả đều không có tác dụng”.
“Đó là chưa kể, nghỉ tết mà đau đáu, mệt mỏi vì việc làm bài sẽ khiến các em chán nản khi kỳ nghỉ kết thúc để trở lại trường học”, ông Phú nhấn mạnh.
Bài tập “Lắng nghe hạnh phúc”
Không nên giao bài tập về nhà vào dịp tết, nếu có thì đó là bài tập “Lắng nghe hạnh phúc” và bài tập “Nhìn lại để yêu thương gia đình”.
Dịp tết là thời gian, cơ hội để các em ở nhà, điều đó cũng giúp cha mẹ có thời gian lắng nghe con chia sẻ để cùng thầy cô, nhà trường giúp con tiến bộ và phát huy năng lực, phẩm chất. Dành thời gian để HS được kết nối với thông tin, giải trí, tiếp cận với các môn thể dục thể thao hoặc nghệ thuật. Hãy để các em thoải mái vui xuân, thông qua các hoạt động vui xuân, giao tiếp, chia sẻ và du lịch, về quê… thăm và chúc tết người thân, họ hàng, khách của bố mẹ… Qua đó các em được học tập trải nghiệm thực tế, có thêm nhiều chất liệu cuộc sống, kỹ năng.
Không cần phải giao bài tập về nhà vào dịp tết, chỉ cần trước khi quay trở lại học tập, các em dành khoảng 1 – 2 ngày xem lại bài vở và chuẩn bị tốt cho một hành trình học tập học kỳ 2 đạt kết quả cao.
Thạc sĩ Phạm Lê Thanh (Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.11, TP.HCM)
Còn ông Nguyễn Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú), cho biết đây là năm đầu tiên nhà trường ra thông báo đề nghị GV không giao bài tập về nhà cho HS trong dịp tết dưới bất kỳ hình thức nào.
Ông Đạt cho hay quan điểm của nhà trường là kỳ nghỉ tết dài dành thời gian cho các em sum họp cùng gia đình. Do đó, việc GV không giao bài tập về nhà sẽ tạo cho các em tâm lý thoải mái, vui vẻ để có thể cùng gia đình trải nghiệm một kỳ nghỉ tết trọn vẹn, nhiều yêu thương, ấm áp. Tình cảm gia đình sẽ là hành trang, chất liệu nuôi dưỡng các em biết sống yêu thương, trách nhiệm, có hoài bão…
Theo thầy Đạt, những năm trước, dù nhà trường luôn quán triệt với GV không giao bài tập về nhà dịp tết để tránh tạo áp lực cho HS, nhất là HS lớp 12. Tuy nhiên, một số GV và cả phụ huynh HS vì thương, lo lắng các con nghỉ tết dài sẽ chểnh mảng việc học hành, kiến thức không đảm bảo nên vẫn giao một số bài tập cho HS dịp tết. Ông Đạt cho rằng điều này dù xuất phát từ tình thương, sự quan tâm nhưng đâu đó vẫn khiến các em vì lo lắng bài vở mà nghỉ tết chưa vui vẻ một cách trọn vẹn.
Chính vì vậy mà năm nay, Trường THPT Tây Thạnh ra thông báo gửi đến tất cả GV cũng như thông báo đến toàn thể phụ huynh HS để cùng thống nhất về quan điểm. “Hãy để các em tận hưởng, trải nghiệm một kỳ nghỉ tết đúng nghĩa của sum họp, quây quần bên gia đình, ông bà, cha mẹ với tình yêu thương, truyền thống gia đình… Đây cũng là cách nhà trường hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc”, Hiệu trưởng Trường Tây Thạnh chia sẻ.
Học tập trải nghiệm thực tế thông qua các hoạt động xuân
Với HS tiểu học, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng GD tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay HS học 2 buổi/ngày nên mọi kiến thức, bài tập được giải quyết trên lớp. Do vậy, thời gian ở nhà là để HS tự ôn tập và chuẩn bị bài mới, dành thời gian giao tiếp, chia sẻ và cùng nhau chăm sóc, quan tâm người thân… Trong thời gian nghỉ tết, bà Thúy cho biết thêm các nhà trường không giao bài tập để HS được thoải mái tinh thần tận hưởng không khí vui tươi ngày tết, vui chơi cùng gia đình một cách đúng nghĩa sau những ngày ôn tập và hoàn thành chương trình kiểm tra kết thúc học kỳ 1. Thông qua các hoạt động vui xuân, giao tiếp, chia sẻ và du lịch, về quê, thăm và chúc tết người thân, họ hàng… HS được học tập trải nghiệm thực tế, có thêm nhiều chất liệu cuộc sống, kỹ năng và hình thành nhân cách, bồi dưỡng phẩm chất.