Tại Thông báo, Phó Thủ tướng kết luận: Thời gian qua, việc triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW, Kết luận số 82/KL-TW của Bộ Chính trị đã đạt được kết quả quan trọng trong: Công tác thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị; Thẩm định, phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới; Giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Sau sắp xếp, đổi mới, đã có một số tập đoàn, tổng công ty như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam… hoạt động kinh doanh có hiệu quả, tạo việc làm cho người lao động, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, góp phần ổn định chính trị – xã hội và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo như mục tiêu của Nghị quyết số 30-NQ/TW đã đề ra.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn nhiều vướng mắc, đến nay vẫn còn 95 công ty chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới (chiếm 37%) tại 24 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 02 Tổng công ty; còn một số công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi mới, hoạt động chưa hiệu quả, chưa đạt mục tiêu ban đầu, phải tiếp tục sắp xếp lại.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ việc nhận thức của một số cấp ủy đảng còn chưa đầy đủ, vai trò của người đứng đầu chưa được phát huy; Cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương chưa hiệu quả; Một số cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, hiệu quả, chậm được sửa đổi, bổ sung; Năng lực, trình độ quản lý doanh nghiệp, công ty ở một số công ty, doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu…
Vì vậy, yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW, Kết luận số 82-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 109/2023/QH15 của Quốc hội; xác định rõ những khó khăn, vướng mắc để kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả, nhất là khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách; về công tác phối hợp; về tổ chức thực hiện….
Trong sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp, khó khăn ở cấp nào, cấp đó phải đứng ra xử lý; không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (vừa là cơ quan đại diện chủ sở hữu và thực hiện quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương).
Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, bám sát các quan điểm, mục tiêu, phương hướng trong Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 41/TTg-QHĐP và Chỉ thị số 07/CT-TTg, khẩn trương hoàn thành ban hành các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 984/QĐ-TTg.
Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ liên quan thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ; Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc để hoàn thành việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng đất đai không đúng mục đích; Tổng hợp xử lý các vấn đề vướng mắc về đất đai phát sinh trong công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp đã được các địa phương, công ty nông, lâm nghiệp báo cáo trước đây và phản ánh tại Hội nghị; trường hợp vượt thẩm quyền, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc phê duyệt phương án sắp xếp tổng thể, trong đó có phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp của địa phương và của các Bộ, cơ quan trung ương trên địa bàn.
Tiếp nhận và xây dựng kế hoạch sử dụng diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương quản lý sau sắp xếp, đổi mới. Xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp. Xây dựng hoặc điều chỉnh phương án sắp xếp gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước tháng 6 năm 2024…
Nguồn: https://baophapluat.vn/yeu-cau-giai-quyet-dut-diem-tinh-trang-tranh-chap-dat-dai-tai-cac-cong-ty-nong-lam-nghiep-post512393.html