Phó thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo Bộ GD-ĐT rà soát kỹ, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân để hoàn thiện, ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT theo thẩm quyền, trong đó xem xét quy định thời gian công bố đối với phương án thi sớm.
Cổng Thông tin Chính phủ thông báo, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 8347/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Thành Long xử lý thông tin báo chí phản ánh liên quan đến dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT.
Phó thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo Bộ GD-ĐT rà soát kỹ, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân để hoàn thiện, ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT theo thẩm quyền, trong đó xem xét quy định thời gian công bố đối với phương án thi sớm để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường và học sinh, nhất là trong việc chủ động có kế hoạch dạy và học, ôn tập phù hợp, hiệu quả.
Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 19.10, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và THPT, trong đó quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, gồm toán, ngữ văn và một môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31.3 hằng năm.
Môn thi thứ 3 được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Việc lựa chọn môn thi thứ 3 có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.
Không ít ý kiến cho rằng, dù dự thảo Bộ GD-ĐT công bố không yêu cầu phải “bốc thăm” môn thi thứ 3 nhưng lại quy định môn thi thứ 3 phải thay đổi hằng năm thì các sở GD-ĐT khó có cách nào khác.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng môn thi tuyển sinh THPT nên xác định rõ ràng, minh bạch và ổn định trong nhiều năm. Không và tuyệt đối không dùng hình thức “bốc thăm”. Điều 12, khoản 1 trong dự thảo lại quy định: môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục đại học lựa chọn và một trong 2 phương án và công bố trước 31.3 hằng năm.
“Quy định này nếu ban hành chính thức sẽ dẫn đến các sở GD-ĐT phải “bốc thăm”, “may nhờ rủi chịu”. Thật sự không nên!”, ông Khang góp ý.
Còn các sở GD-ĐT thì đề xuất việc lựa chọn môn thứ 3 nên giao cho UBND các tỉnh, thành phố tùy tình hình thực tế địa phương quyết định và chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục. Việc này nhằm bảo đảm tăng cường phân cấp quản lý nhà nước về GD-ĐT.
Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, lý giải: môn thứ 3 thi vào lớp 10 do các địa phương lựa chọn trong những môn còn lại có đánh giá bằng điểm số nhưng với nguyên tắc hằng năm sẽ thay đổi để tránh chuyện học tủ, học lệch.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, lý giải này không phù hợp với đổi mới giáo dục theo hướng coi trọng đánh giá cả quá trình, đánh giá thường xuyên; phát huy năng lực của người học mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang hướng tới.
Nguồn: https://thanhnien.vn/yeu-cau-bo-gd-dt-tiep-thu-y-kien-ve-phuong-an-tuyen-sinh-vao-lop-10-18524111419342941.htm