YênBái – Huyện Yên Bình có chủ yếu 4 dân tộc thiểu số (DTTS): Tày, Cao Lan, Dao, Nùng. Trước thực trạng văn hóa vùng đồng bào DTTS đang có nguy cơ dần mai một và biến dạng, ngành văn hóa và chính quyền các địa phương huyện Yên Bình đã và đang nỗ lực trong công tác bảo tồn.
Người dân tổ dân phố số 6, thị trấn Yên Bình tập văn nghệ tại nhà văn hóa tổ.
|
>> Yên Bình tiếp tục quan tâm phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
>> Yên Bình đưa du lịch địa phương ngày càng phát triển
>> Yên Bình: Văn hóa, du lịch song hành phát triển
Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tuấn Mạnh – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Bình về vấn đề này.
P.V: Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong công tác gìn giữ và khôi phục bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS của huyện Yên Bình?
Ông Vũ Tuấn Mạnh: Cùng với chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS, các cấp chính quyền từ huyện, đến các địa phương đã có những hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số và từng bước khôi phục những nét đẹp đã bị mai một. Tuy nhiên, việc bảo tồn không phải một sớm, một chiều mà cần có thời gian lâu dài.
Hiện toàn huyện có 4 người được phong danh hiệu nghệ nhân ưu tú cấp quốc gia; 1 nghệ nhân cấp tỉnh. Các làn điệu dân ca, dân vũ, tiếng nói, chữ viết; các phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc được giữ gìn, khôi phục và phát triển, điển hình như: dân tộc Tày đã bảo tồn và phát triển được các làn điệu hát Then, đàn Tính, hát Khảm hải, Lễ hội Xuống đồng; dân tộc Cao Lan bảo tồn và phát triển các làn điệu múa như: Sình ca, múa phát nương, chỉa bắp, giã cốm, xúc tép, chim gâu, tam thanh..; dân tộc Dao bảo tồn được Lễ Cấp sắc, múa chông, múa bát, múa tra hạt, xe bông dệt vải….
Gần đây, huyện chỉ đạo tổ chức 6 lớp truyền dạy về chữ viết, phong tục tập quán và nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc tại các địa phương.
Thời gian qua, Phòng Văn hóa đã tham mưu cho huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch, thể thao gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc như: tổ chức Lễ đón Bằng quốc gia đền Thác Bà; lễ hội các đình, đền, chùa, Lễ hội Xuống đồng đầu năm; Lễ hội bưởi Đại Minh; Giải đua thuyền nan trên hồ Thác Bà…
Đặc biệt, đã khai thác tốt các làn điệu dân ca, dân vũ thông qua các đội văn nghệ, các câu lạc bộ văn nghệ dân gian tại các thôn, các xã phục vụ khách du lịch.
>> Yên Bái bảo tồn di sản dựa vào cộng đồng
P.V: Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân gian, huyện đã có những giải pháp gì?
Ông Vũ Tuấn Mạnh: Muốn văn hoá dân gian không phai nhạt, chúng ta phải tôn trọng môi trường tồn tại của nó. Ví dụ như, văn hóa người Dao muốn phát triển được cần tôn trọng tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng người Dao. Bởi, tất cả đặc trưng của văn hóa dân gian người Dao từ nghệ thuật, biểu diễn đều gắn với tôn giáo.
Huyện đã có giải pháp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội; vận động thành lập các đội, câu lạc bộ văn nghệ dân gian các dân tộc; thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng; đặc biệt là mở các lớp truyền dạy văn hóa dân gian các dân tộc thông qua Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”; tham mưu cho huyện chỉ đạo ngành giáo dục khuyến khích học sinh mặc trang phục truyền thống khi đến trường.
Phát triển du lịch, gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào cũng là một cách để nét đẹp văn hóa dân tộc không bị mai một. Bởi khi phát triển được du lịch, đồng bào sẽ được hưởng lợi từ chính văn hóa của mình để phục vụ du khách.
Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đồng bào thấy được tầm quan trọng vì sao phải bảo tồn văn hóa của chính mình cũng là một giải pháp từng bước khắc phục và bảo tồn văn hóa các dân tộc. Trên hết, vẫn là dựa vào chính cộng đồng để bảo tồn bản sắc, trong đó giới trẻ hiện nay là lực lượng nòng cốt trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống.
Ngoài ra, các vị già làng cũng cần phát huy vai trò trước cộng đồng trong việc khôi phục giá trị văn hóa truyền thống đang đứng bên bờ nguy cơ mất bản sắc. Hơn nữa, Nhà nước cần có thêm những chính sách ưu đãi đối với những người làm công tác bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các vùng đồng bào DTTS; tổ chức nhiều hơn các sự kiện văn hóa, thể thao các dân tộc; đưa tiếng dân tộc vào giảng dạy tại các nhà trường; có quy định mặc trang phục dân tộc tại các cơ quan nhà nước, các trường học; đầu tư, xây dựng các trung tâm bảo tồn văn hóa các dân tộc tại các địa phương.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Vũ Đồng (thực hiện)