YênBái – Sáng nay – 1/12, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế – xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc, phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế phát triển.
Tham dự Hội nghị tại Hội trường Diên Hồng, Hà Nội có Tổng Bí thư Tô Lâm; các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương…
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Hội nghị tại Hội trường Diên Hồng.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội kết hợp kết nối trực tuyến tới 14.535 điểm cầu trên toàn quốc với trên 1,3 triệu đại biểu tham dự.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái có các đồng chí: Trần Huy Tuấn – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Tạ Văn Long – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh; báo cáo viên Trung ương, báo cáo viên Tỉnh ủy; lãnh đạo, cán bộ thuộc Đảng uỷ Công an tỉnh; Văn phòng Tỉnh uỷ và lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên các huyện, thị, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Tại tỉnh Yên Bái, Hội nghị được kết nối với 181 điểm cầu với tổng số 14.603 đại biểu tham dự, trong đó 1 điểm cầu cấp tỉnh tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, 11 điểm cầu cấp huyện và tương đương, 168 điểm cầu cấp xã, phường, thị trấn.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.
Tổng kết sớm, toàn diện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Tại Hội nghị, các đại biểu nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trình bày các nội dung chính, trọng tâm trong triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Theo đó, qua 7 năm thực hiện, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Trung ương, các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu, việc tổ chức, thực hiện Nghị quyết 18 đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao với quyết tâm chính trị mạnh mẽ để thực hiện chủ trương tổng kết sớm, toàn diện Nghị quyết 18 trong toàn hệ thống chính trị. Bộ Chính trị xác định, việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”; xác định những nội dung, công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện, quyết tâm hoàn thành việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra.
“Dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội truyền đạt chuyên đề “Tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế” và đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ truyền đạt chuyên đề “Báo cáo kinh tế – xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế – xã hội năm 2025”.
Báo cáo những nội dung chủ yếu tình hình kinh tế – xã hội năm 2024, nêu bật những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế – xã hội 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư; tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; nhìn chung tình hình kinh tế – xã hội 11 tháng của năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, nhất là mục tiêu tăng trưởng. GDP năm 2024 ước tăng 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 – 6,5%).
Để hoàn thành mục tiêu đó, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”; “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”; “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Đồng thời nêu những giải pháp chủ yếu năm 2025 và giai đoạn tới.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: từ sau Hội nghị Trung ương 10 ngày 20/9/2024 đến nay, cả hệ thống chính trị đã có những chuyển động mạnh mẽ, vận hành với tinh thần mới, vận tốc mới nhằm tạo ra những động lực mới, hiệu năng mới cho phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ phải đổi mới tư duy, phải “cởi trói” phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình. Để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt hai con số liên tục trong những năm tiếp theo.
Tổng Bí thư yêu cầu cần tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế phát triển, tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển.
Đổi mới thể chế phát triển không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan xây dựng pháp luật, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và của từng cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng, thực thi pháp luật. Phải có “liều thuốc đủ mạnh” để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu, “hành dân,” “hành doanh nghiệp,” có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho sợ trách nhiệm…
Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần đặt lợi ích chung lên trên hết, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, đột phá, dũng cảm hy sinh để đất nước phát triển.
Tập trung đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV
Về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đại hội Đảng các cấp từ các chi bộ cơ sở, đến cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và các cơ quan Trung ương phải là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, thảo luận về tầm nhìn và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước vươn mình giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng đã được Trung ương xây dựng công phu, kỹ càng, khoa học. Nhiệm vụ của cấp ủy các cấp là sớm tổ chức cho cán bộ, đảng viên, nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào các văn kiện trên.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức Đảng, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, các tầng lớp nhân dân để bổ sung, hoàn thiện các văn kiện để trình Đại hội XIV với tinh thần Văn kiện phải bám sát hơi thở cuộc sống, phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện. Văn kiện phải trở thành “sách giáo khoa,” thành “từ điển” để khi cần thì “tra” vào đó và sẽ thấy ngay “ánh sáng soi đường.”
Tổng Bí thư yêu cầu cấp ủy các cấp cần tập trung chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ mới theo đúng các nội dung đã được hướng dẫn, chuẩn bị thật tốt đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển mới.
Quyết tâm cao nhất hoàn thành sớm tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương này. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị.
Yêu cầu chung là bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân…
Việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp. Không để cơ quan nhà nước là “vùng trú an toàn” cho cán bộ yếu kém. Với yêu cầu cao hơn khi triển khai tổ chức mới, phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lại cán bộ trước và sau khi sắp xếp lại tổ chức.
Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các đồng chí từ Trung ương đến cơ sở, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất để hoàn thành sớm việc tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị; góp phần tăng tốc, bứt phá vượt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024, 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội XIII; chuẩn bị thật tốt đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Phát biểu định hướng công tác tuyên truyền nội dung Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm; tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Hội nghị sâu rộng hơn nữa, nhanh chóng đưa các quan điểm chỉ đạo của Trung ương thành hành động cụ thể, bảo đảm đúng tiến độ, lộ trình và có kết quả rõ rệt.
Thu Trang – Đức Toàn
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/11/342698/Yen-Bai-tham-du-Hoi-nghi-truc-tuyen-quan-triet-trien-khai-tong-ket-viec-thuc-hien-Nghi-quyet-18-Trung-uong-khoa-XII.aspx