YênBái – Thời gian còn lại của năm 2024 không còn nhiều, trong khi số vốn đầu tư công tỉnh Yên Bái giải ngân mới đạt 41,3% kế hoạch. Thực trạng này đang đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phải nỗ lực lớn, quyết tâm cao tranh thủ từng phút, từng giờ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.
Lãnh đạo Yên Bái tham dự Hội nghị trực tuyến với Tổ công tác số 4 và Tổ công tác số 7 về kiểm tra, đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
|
>>Yên Bái chỉ đạo tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, tập trung bố trí tái định cư cho người dân sau bão
>>Yên Bái tham dự Hội nghị trực tuyến đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Đầu tư công được xác định là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế. Chính vì lẽ đó, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã rất quyết liệt trong việc triển khai giải ngân dòng vốn quan trọng này. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, tính đến hết tháng 10/2024, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 2.490,097 tỷ đồng/tổng kế hoạch vốn giao là 6.032,84 tỷ đồng, bằng 41,3% kế hoạch. Trường hợp loại trừ vốn sử dụng đất do không có nguồn, cấp tỉnh là 570.500 triệu đồng; cấp huyện khoảng 500.000 triệu đồng, thì kết quả giải ngân đạt 50,2%.
Riêng đối với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao là 3.587,54 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân bằng 59,0% kế hoạch. Trong bối cảnh khó khăn chung, tỷ lệ này đã cao hơn so với tỷ lệ giải ngân chung của cả nước là 52,29%, Tuy nhiên, con số này chưa như kỳ vọng bởi kịch bản giải ngân là 77%, gây áp lực lớn cho chặng nước rút khi thời gian của năm không còn nhiều.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa như kỳ vọng, trong đó điểm nghẽn lớn nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng, khi nhiều dự án còn nhiều vướng mắc về thủ tục đất đai, chuyển đổi đất rừng, thủ tục giao đất, chỉ tiêu sử dụng đất; trình tự thủ tục liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành nên mất nhiều thời gian.
Cùng với đó, nguồn vốn nước ngoài giải ngân thấp do các thủ tục cấp phát vốn nước ngoài và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ còn khó khăn, các dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA) phải thực hiện song hành các quy định pháp luật của Việt Nam và hiệp định ký kết với nhà tài trợ; quy trình thực hiện qua nhiều khâu và nhiều bước, nhất là việc thẩm định và phê duyệt đề xuất dự án; đàm phán, cấp ý kiến pháp lý; phê chuẩn hiệp định; gia hạn hiệp định;… quá trình này thực hiện mất rất nhiều thời gian. Một số dự án theo quy định của nhà tài trợ yêu cầu phải thực hiện quy trình chọn nhà thầu quốc tế để thực hiện công tác tư vấn.
Quá trình để lựa chọn được nhà thầu tư vấn này theo quy trình của nhà tài trợ qua nhiều khâu, nhiều bước mất rất nhiều thời gian, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện và giải ngân cho các gói thầu còn lại của dự án. Bên cạnh những vướng mắc về cơ chế, chính sách thì “điểm nghẽn” lớn nhất vẫn là trách nhiệm chưa cao của các địa phương, đơn vị; là sự hạn chế về năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ và đặc biệt là năng lực của các nhà thầu.
Thời gian còn lại của năm 2024 không còn nhiều, để hoàn thành kế hoạch giải ngân đạt 95% theo cam kết với Chính phủ, các sở, ngành, địa phương cần bám sát các quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 26 ngày 8/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quyết liệt chỉ đạo, điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư.
Cùng với đó, các bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn liên quan đến cơ chế, chính sách, trong đó cần làm việc với các nhà tài trợ, đặc biệt là các nhà tài trợ song phương, nghiên cứu rà soát tiếp tục cải tiến quy trình rút vốn, thanh toán vốn nước ngoài để góp phần thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm 2024 và các năm tiếp theo.
Cùng với việc tháo gỡ về thủ tục, các đơn vị chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh cần tập trung đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án; chủ động, quyết liệt trong công tác giải ngân kế hoạch vốn, ưu tiên giải ngân cho các nhà thầu, các gói thầu có tiến độ thực hiện tốt và các dự án, công trình trọng điểm để bảo đảm tiến độ giải ngân chung theo kế hoạch của tỉnh.
Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng công trình xây dựng, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Các địa phương cần tích cực, quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn huyện, bảo đảm sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công. Bên cạnh đó rất cần sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của các sở ngành địa phương, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có dự án đầu tư.
Dù thời gian không nhiều, nhưng nếu các giải pháp được triển khai đồng bộ cùng sự nỗ lực quyết tâm, quyết liệt cao độ, tỉnh Yên Bái sẽ hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao đời sống người dân.
Việc giải ngân chậm chủ yếu tập trung vốn nước ngoài mới giải ngân bằng 26%; vốn sử dụng đất cấp tỉnh, chưa có nguồn để giải ngân, mới thu, nộp ngân sách 29 tỷ đồng, tuy nhiên chưa thông báo sang Kho bạc Nhà nước để giải ngân; vốn sự nghiệp y tế 12,6%, đặc biệt các dự án mua sắm trang thiết bị y tế. Đáng chú ý, một số đơn vị chủ đầu tư được giao quản lý với số vốn lớn nhưng kết quả giải ngân thấp như: Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh 28,8%; Sở Y tế 24,7%; Sở Tài nguyên và Môi trường 0,6%;… |
Thu Hiền
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/12/342416/Yen-Bai-quyet-tam-hoan-thanh-giai-ngan-von-dau-tu-cong-.aspx