Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 62-NQ/TU, Tỉnh ủy đã cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết trong Chương trình hành động lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm theo lộ trình và phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan. HĐND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, ban hành 08 nghị quyết quan trọng cụ thể hóa thành các chính sách nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, hỗ trợ người dân tiếp cận với bảo hiểm y tế, các dịch vụ dân số – kế hoạch hóa gia đình, thu hút và phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, nhất là nhân lực cho tuyến y tế cơ sở. UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo, cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết vào Chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội hằng năm, ban hành 02 đề án về phát triển các lĩnh vực y tế, gồm: Đề án “Nâng cao năng lực khám, chữa bệnh và đẩy mạnh tự chủ tài chính trong các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025” và Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng y tế dự phòng, y tế cơ sở tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030”.
Cùng với đó, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tổ chức quán triệt, phổ biến Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; tuyên truyền Nghị quyết qua các phương tiện thông tin đại chúng về vị trí, vai trò của của công tác nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và xã hội, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương và của tỉnh, huy động được cả hệ thống chính trị, người dân và đội ngũ cán bộ ngành y tế tham gia thực hiện Nghị quyết.
Hoàn thành 8/12 mục tiêu Nghị quyết
Sau hơn 03 năm triển khai Nghị quyết, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, đến hết năm 2024, đã hoàn thành 8/12 mục tiêu Nghị quyết. Cụ thể, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế tăng từ 75,1% năm 2020 lên 94% năm 2024 (tăng 18,9%, đạt 104,2%, vượt mục tiêu Nghị quyết); tỷ số tử vong mẹ/100.000 trẻ đẻ sống năm 2024 giảm xuống còn 36,7 ca, vượt 30,8% mục tiêu Nghị quyết; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi năm 2024 giảm xuống còn 6,8‰, vượt 83,8% mục tiêu Nghị quyết; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, năm 2024 giảm xuống còn 9,9‰, vượt 86,8% mục tiêu Nghị quyết; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 16,1% năm 2020 xuống còn 13,4% năm 2024 (giảm 2,7%, đạt 104,5% – vượt mục tiêu Nghị quyết), tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 24,7% năm 2020 xuống còn 21,4% năm 2024, (giảm 3,3%, đạt 103,7% – vượt mục tiêu Nghị quyết).
Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế tăng từ 75,1% năm 2020 lên 94% năm 2024
Tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử tăng từ 68% năm 2020 lên 91% năm 2024, (tăng 23%, đạt 101,1% – vượt mục tiêu Nghị quyết), tỷ lệ người bệnh hài lòng với dịch vụ y tế giai đoạn 2021 – 2024 luôn đạt trên 90%, vượt mục tiêu Nghị quyết. Kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh khác trên địa bàn tỉnh. Triển khai tiêm chủng vắc xin phòng, bệnh COVID-19, cơ bản đạt miễn dịch cộng đồng với trên 99% người từ 12 tuổi trở lên có mặt tại địa phương được tiêm đủ liều cơ bản. Hoàn thành mục tiêu Nghị quyết trong năm 2022. Hằng năm tổ chức kiểm tra giám sát chất lượng thuốc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc theo các quy định GMP, GDP, GSP, GPP; hậu kiểm chất lượng thuốc, mỹ phẩm đạt trên 100% kế hoạch giao, vượt mục tiêu Nghị quyết.
Tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử tăng từ 68% năm 2020 lên 91% năm 2024
4 mục tiêu còn lại đều đạt trên 86%, gồm: Tuổi thọ trung bình của người dân tăng từ 73,5 tuổi năm 2020 lên 74,3 năm 2024 (tăng 0,8 tuổi, đạt 99,7% so với mục tiêu Nghị quyết); số năm sống khoẻ tối thiểu tăng từ 65 tuổi năm 2020 lên 67,4 năm 2024 (tăng 2,4 năm, đạt 99,1% mục tiêu Nghị quyết).
Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% (đạt 98,4% mục tiêu Nghị quyết và cao hơn tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của toàn quốc), số bác sỹ trên một vạn dân tăng từ 10,2 bác sỹ năm 2020 lên 11,6 bác sỹ năm 2024 (tăng 1,4 bác sỹ/vạn dân; đạt 96,7% mục tiêu Nghị quyết), Số giường bệnh trên một vạn dân tăng từ 33,3 giường bệnh năm 2020 lên 35,4 giường bệnh năm 2024 (tăng 2,1 giường/vạn dân, đạt 99,2% mục tiêu Nghị quyết; Tỷ lệ cơ sở khám chữa bệnh công lập đạt hạng II trở lên tăng từ 26,7% năm 2020 lên 60,0% năm 2024 (tăng 33,3%, đạt 90% mục tiêu Nghị quyết).
Tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến nội trú giai đoạn từ năm 2021 đến 2023 có tăng, tuy nhiên hết năm 2024 tỷ lệ này đã giảm xuống còn 3,3% (đạt 86,7% mục tiêu Nghị quyết).
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp
Hằng năm, Tỉnh ủy đã đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác y tế vào Chương trình hành động lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong đó xác định cụ thể chỉ tiêu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân; đồng thời, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể về tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; tỷ lệ số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế… cho từng địa phương gắn với trách nhiệm đứng đầu theo phương châm “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”. HĐND các cấp đã đưa một số chỉ tiêu chủ yếu về y tế vào hệ thống các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội 05 năm và hằng năm để các địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp đã tích cực tuyên truyền sâu rộng, vận động, khuyến khích hội viên, đoàn viên và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia các cuộc vận động, các phong trào, chương trình mục tiêu y tế, dân số, tuyên truyền nâng cao chất lượng dân số, các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường; thực hiện nếp sống vệ sinh, khoa học, lành mạnh, góp phần nâng cao sức khỏe, nâng cao chỉ số hạnh phúc và chất lượng cuộc sống cho người dân.
Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước về y tế tiếp tục được đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong các cơ sở y tế. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã chú trọng thực hiện chuẩn hóa các quy trình chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh, góp phần kiểm soát, hạn chế tối đa sự cố y khoa. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực khám, chữa bệnh và đẩy mạnh tự chủ tài chính trong các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 – 2025” và Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng y tế dự phòng, y tế cơ sở tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, ảnh hưởng của dịch bệnh tới sức khỏe, đời sống kinh tế và xã hội của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh là thấp so với mặt bằng chung toàn quốc, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Hệ thống y tế dự phòng tiếp tục được quan tâm phát triển từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, hoạt động hiệu quả, đủ năng lực kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh nguy hiểm phát sinh trên địa bàn tỉnh. Hệ thống tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh được củng cố vững chắc tại các trạm y tế xã, đồng thời khuyến khích các hình thức tiêm chủng vắc xin dịch vụ, tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận dịch vụ y tế phòng bệnh và đảm bảo an toàn trong tiêm chủng. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin cho trẻ em dưới 1 tuổi hằng năm luôn đạt trên 98,5%, cao hơn so với mục tiêu do Trung ương yêu cầu (trên 95%); 100% đối tượng trong diện tiêm chủng trên địa bàn tỉnh đều được quản lý trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.
Hệ thống y tế cơ sở được đầu tư đồng bộ và đổi mới phương thức hoạt động theo hướng chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật; quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, dinh dưỡng cộng đồng; thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo mô hình y học gia đình (đến nay, có 171 trạm Y tế xã, phường, thị trấn hoạt động theo nguyên lý y học gia đình (chiếm 98,8%); kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại; kết hợp quân y và dân y; thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp, nâng cao năng lực y tế vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dự kiến hết năm 2025, 100% xã, phường thị trấn trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí quốc gia, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra; 100% trạm y tế xã triển khai áp dụng “Bảng điểm chất lượng dịch vụ trạm y tế xã”; tỷ lệ khám chữa bệnh tuyến xã tăng dần qua từng năm đạt 45,5% tổng số lượt khám chữa bệnh toàn tỉnh.
Tỷ lệ khám chữa bệnh tuyến xã tăng dần qua từng năm
Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực khám, chữa bệnh và đẩy mạnh tự chủ tài chính trong các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025”, đến nay, các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh cơ bản được đầu tư, nâng cấp, mở rộng quy mô; chủ động triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; giảm thủ tục hành chính; đổi mới toàn diện về phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế; xây dựng bệnh viện xanh – sạch – đẹp, an toàn, văn minh; thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Bác sĩ tận tâm, bệnh nhân hạnh phúc”, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tổng số lượt khám chữa bệnh năm 2024 đạt gần 1,7 triệu lượt; số lượt khám y học cổ truyền và y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại là 272.096 lượt, so với tổng số lượt khám chữa bệnh năm 2024 chiếm 16,1%, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020. Quy mô giường bệnh của các cơ sở y tế ngày được mở rộng; 60% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập đã đạt tiêu chuẩn hạng II trở lên. Tăng cường liên kết, hợp tác với các bệnh viện tuyến Trung ương và quốc tế để đào tạo và chuyển giao được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, thông qua đó chất lượng khám chữa bệnh tại các tuyến ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hài lòng của người bệnh với dịch vụ y tế luôn đạt trên 90%.
Cùng với đó, tỉnh luôn quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực trong các cơ sở y tế, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế cho nhân dân; các chương trình hỗ trợ, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, chăm sóc trẻ em, bà mẹ trẻ em, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, Chương trình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày vàng đầu đời được triển khai hiệu quả và đạt nhiều kết quả quan trọng; mạng lưới truyền thông, giáo dục sức khỏe tiếp tục được củng cố, phát triển; công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe được triển khai toàn diện ở tất cả các tuyến y tế
Thực hiện hiệu quả việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức, mạng lưới y tế; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện cơ chế tự chủ đối với các cơ sở y tế công lập, kết hợp với đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển hệ thống y tế ngoài công lập.
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; nâng cao năng lực, hiệu quả y tế dự phòng gắn với đổi mới hệ thống y tế cơ sở; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng y tế dự phòng và đổi mới y tế cơ sở giai đoạn 2021 – 2025”. Quan tâm phát triển y tế dự phòng từ tuyến tỉnh đến cơ sở, hoạt động hiệu quả, đủ năng lực kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện; bảo đảm an ninh y tế, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, các tình huống khẩn cấp về y tế công cộng. Đầu tư đồng bộ và đổi mới phương thức hoạt động của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh; tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực khám, chữa bệnh và đẩy mạnh tự chủ tài chính trong các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 – 2025”. Tăng cường triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác với các bệnh viện tuyến Trung ương và quốc tế trong tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật; chỉ đạo thực hiện tốt phong trào thi đua “Bác sỹ tận tâm, bệnh nhân hạnh phúc” tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh. Xây dựng và phát triển Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái trở thành Bệnh viện đa khoa cấp tỉnh đảm nhận chức năng vùng, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc – mỹ phẩm – thực phẩm tỉnh trở thành Trung tâm Kiểm nghiệm vùng theo quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Xây dựng và phát triển Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái trở thành Bệnh viện đa khoa cấp tỉnh đảm nhận chức năng vùng
Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức, mạng lưới y tế; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ. Đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện cơ chế tự chủ đối với các cơ sở y tế công lập, kết hợp với đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển hệ thống y tế ngoài công lập. Triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân. Huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp trang thiết bị các cơ sở y tế theo hướng đồng bộ, hiện đại; thực hiện có hiệu quả công tác tuyển dụng, thu hút nhân lực chất lượng cao, chú trọng công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế “vừa hồng vừa chuyên”, hết lòng phục vụ người bệnh, phục vụ nhân dân. Tiếp tục tăng cường bác sỹ về công tác tại trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn đặc biệt khó khăn. Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội, công tác dân số và phát triển, kế hoạch hóa gia đình; nâng cao tuổi thọ, góp phần quan trọng nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân. Triển khai các chương trình hỗ trợ dinh dưỡng và chăm sóc đối với trẻ em và bà mẹ trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn đặc biệt khó khăn.
Bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời về số lượng, tốt về chất lượng, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Phát huy lợi thế của y dược cổ truyền, phát triển công nghiệp dược và dược liệu trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về y tế; siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong các cơ sở y tế. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh, công tác quản lý dược, vệ sinh an toàn thực phẩm; chuẩn hóa các quy trình, quy phạm trong khám, chữa bệnh, hạn chế tối đa những sai sót, sự cố y khoa.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số y tế, xây dựng thực hiện mô hình bệnh viện thông minh, hiện đại hóa các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao. Củng cố, phát triển mạng lưới truyền thông, giáo dục sức khỏe. Mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ với sự tham gia của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội.
Nguồn: https://yenbai.gov.vn/noidung/tintuc/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=35916&l=Tintrongtinh