Mục tiêu năm 2025 đào tạo cho 4.000 lao động nông thôn trở lên, tập trung nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ
Theo Kế hoạch, mục tiêu năm 2025 đào tạo cho 4.000 lao động nông thôn trở lên, tập trung nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ. trong đó, đào tạo nghề giám đốc hợp tác xã nông nghiệp cho 40 cán bộ quản lý các hợp tác xã nông nghiệp theo Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; đào tạo cho 3.960 lao động nông thôn tham gia các vùng nguyên liệu; lao động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp nhằm giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho người dân từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn trên địa bàn một cách bền vững.
Về ngành nghề đào tạo, sẽ đào tạo các nghề để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, đề án mà ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì gồm: Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam tại Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022; Chương trình mỗi xã một sản phẩm tại Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022; phát triển du lịch nông thôn tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022; các chương trình, đề án trọng tâm khác của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đào tạo nghề “Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp” cho các hợp tác xã nông nghiệp để đảm bảo mục tiêu 80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề” theo Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Nông nghiệp đã ban hành Quyết định số 4468/QĐ-BNN-KTHT ngày 17/11/2021 phê duyệt chương trình trình đào tạo trình độ sơ cấp và giáo trình đào tạo nghề “Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp” phục vụ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.
Đào tạo nghề “Kinh doanh nông nghiệp” trình độ thường xuyên phục vụ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo Quyết định số 4880/QĐ-BNN-KTHT ngày 15/11/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đào tạo nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực, phát triển sản phẩm OCOP, các sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc vùng miền, gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn. Đào tạo cho người lao động biết ứng dụng các công nghệ thông tin, áp dụng các quy trình sản xuất tốt, tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn; đào tạo nâng cao kỹ năng về quản lý, quản trị maketing, tài chính và biết xây dựng các phương án sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Kinh doanh nông nghiệp; dịch vụ nông nghiệp, nông thôn (du lịch và môi trường); các nghề mới, nghề giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đào tạo cho người lao động nắm được các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, quy trình kỹ thuật mới, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, quản lý vùng chuyên canh, truy xuất nguồn gốc, mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp. Phát triển quản lý chuỗi cung ứng nông sản theo ứng dụng blockchain từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Bổ sung các nghề mới, nghề đặc thù thu hút nhiều lao động nông thôn và đáp ứng với các yêu cầu phát triển kinh tế nông thôn trong thời gian tới: Dịch vụ nông nghiệp nông thôn, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; kinh doanh nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số; maketing, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp và giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp.
Đối với các nghề Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng khung chương trình, giáo trình giai đoạn trước, tiếp tục cập nhật, bổ sung những kiến thức, kỹ năng sản xuất, kinh doanh, chế biến mới, phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh; đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định.
Danh mục đào tạo nghề: Quyết định số 10/2023/QĐ-UBND ngày 20 tháng 4 năm 2023 của UBND tỉnh ban hành danh mục đào tạo và mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tao dưới 3 tháng sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Đối tượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn gồm: lao động trong độ tuổi lao động làm nông nghiệp ở các vùng sản xuất hàng hóa thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; lao động trong các hợp tác xã, trang trại, gia trại, doanh nghiệp nằm trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung các sản phẩm chủ lực của địa phương; lao động trong các làng nghề tham gia phát triển làng nghề, bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với các giá trị văn hóa, du lịch nông nghiệp nông thôn; lao động tham gia vào chương trình phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương; chuyển đổi số trong nông nghiệp; người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động.
Ưu tiên đào tạo cho lao động vùng dân tộc thiểu số, miền núi; người nghèo và phụ nữ.
Đối tượng đào tạo nghề “ Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp” gồm: Cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác, lao động có nhu cầu bổ sung kiến thức về hợp tác xã nông nghiệp trong độ tuổi lao động theo quy định và một số cán bộ hợp tác xã trên độ tuổi lao động hiện đang làm trong các hợp tác xã nông nghiệp, có nhu cầu học nghề “Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp”.
Chính sách đối với người học nghề: Người lao động tham gia học nghề được hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng và hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng và Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng; Quyết định số 10/2023/QĐ-UBND ngày 20 tháng 4 năm 2023 của UBND tỉnh ban hành danh mục đào tạo và mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái; các văn bản liên quan khác.
Nguồn: https://yenbai.gov.vn/noidung/tintuc/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=35961&l=Tintrongtinh