YênBái – Những năm gần đây, khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) đã có bước phát triển mạnh mẽ. Không chỉ tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, nhiều mô hình HTX, THT tiêu biểu còn tiên phong ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, đưa nông sản Yên Bái vươn ra thị trường lớn trong và ngoài nước.
|
Công nhân HTX Quế hồi Việt Nam, huyện Trấn Yên sơ chế quế vỏ.
|
>> Trấn Yên nâng cao chất lượng hoạt động hợp tác xã
>> Yên Bái phát huy vai trò hội tụ nguồn lực của hợp tác xã, tổ hợp tác
>> Hướng đi bền vững của Hợp tác xã Quế Hồi Việt Nam
>> Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái hỗ trợ 4 đơn vị mua máy móc, thiết bị sản xuất
>> Yên Bái phấn đấu thành lập mới trên 80 hợp tác xã, 300 tổ hợp tác trong năm 2025
>> Yên Bái: Doanh thu bình quân một hợp tác xã đạt 2,2 tỷ đồng
>> Yên Bái phát huy vai trò hội tụ nguồn lực của hợp tác xã, tổ hợp tác
Trước đây, sản xuất nông nghiệp ở Yên Bái chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, giá trị sản phẩm thấp. Sự ra đời và phát triển của các HTX, THT đã từng bước thay đổi điều đó. Các HTX, THT đã tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại phục vụ sơ chế, chế biến sâu sản phẩm.
Nằm giữa vùng quế huyện Trấn Yên, HTX Quế hồi Việt Nam ở thôn 5, xã Thành Thịnh đang tạo bước chuyển biến lớn trong phát triển cây quế theo hướng hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị, mở cánh cửa xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thành lập từ tháng 4/2017, HTX có 22 thành viên, phát triển vùng sản xuất tập trung trên diện tích 90 ha, sản lượng thu mua bình quân 70 – 80 tấn quế/tháng. Với dây chuyền hiện đại, HTX chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quế với sản lượng từ 1.500 – 2.000 tấn/năm.
Hiện nay, HTX đã và đang tạo bước chuyển biến lớn trong phát triển cây quế theo hướng hàng hóa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, hình thành chuỗi giá trị, mở rộng cánh cửa xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Để hình thành chuỗi sản xuất khép kín, HTX đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động, hướng dẫn các hộ dân thay đổi tập quán sản xuất quế truyền thống sang phương thức hữu cơ, HTX đã thực hiện ký cam kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các hộ dân trong xã và khu vực lân cận.
Đến nay, HTX có gần 1.000 ha quế hữu cơ với hơn 800 hộ nông dân ở xã Thành Thịnh và các xã lân cận như Tân Đồng, Hòa Cuông tham gia. Trong thời gian qua, HTX đã tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và bước đầu đã xây dựng thành công thương hiệu quế Việt Nam trên thị trường nước ngoài.
Ông Nguyễn Quế Anh – Giám đốc HTX Quế hồi Việt Nam chia sẻ: “Mục tiêu chính của HTX là nâng cao giá trị từ sản phẩm quế, bởi vậy ngoài việc liên kết với các hộ trồng quế theo tiêu chuẩn an toàn hữu cơ, chúng tôi chú trọng đổi mới dây chuyền công nghệ, tập trung chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm”.
Hay như THT nuôi cá lồng xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình thành lập từ năm 2018 tại thôn Ngòi Kè lúc đầu chỉ có 7 thành viên là những hộ nuôi cá lâu năm trong thôn. Đến nay, THT đã phát triển lên 18 thành viên với 250 lồng cá trên hồ Thác Bà, diện tích mặt nước khoảng 15 ha. THT đã liên kết giữa các hộ để mua chung con giống, thức ăn giá rẻ hơn, hỗ trợ nhau kỹ thuật nuôi an toàn sinh học, tiêu thụ đầu ra, xây dựng vùng nuôi cá lồng bền vững. Các sản phẩm của THT là cá tươi, cá phi lê, cá hút chân không.
Hiện tại, THT đã hợp đồng tiêu thụ ổn định với Công ty cổ phần Thủy sản Yên Bái, một số siêu thị ở Hà Nội như Big C, Winmart… Nhờ đó, sản lượng cá trung bình mỗi năm của THT đạt 150 – 170 tấn; thu nhập của mỗi thành viên trong THT đạt từ 400 – 600 triệu đồng/năm; doanh thu của THT đạt hơn 7 tỷ đồng mỗi năm.
Những năm qua, kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX, THT đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hết năm 2024, toàn tỉnh có 829 HTX với gần 34.000 thành viên; trên 5.700 THT với gần 29.000 thành viên. Các HTX, THT hoạt động hiệu quả trên nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp, vận tải, thương mại dịch vụ, xây dựng… đã tạo thêm cơ hội việc làm và thu nhập thường xuyên cho thành viên, người lao động.
Doanh thu bình quân năm 2024 đạt 2,2 tỷ đồng/HTX, nộp ngân sách Nhà nước đạt trên 53 tỷ đồng; doanh thu bình quân của THT ước đạt 385 triệu đồng, lợi nhuận bình quân đạt 110 triệu đồng/THT. Các HTX, THT đã tạo ra hàng trăm sảm phẩm OCOP và đặc sản vùng miền như: trà Shan tuyết Suối Giàng, gạo Séng cù Mường Lò, bưởi Đại Minh… đạt tiêu chuẩn chất lượng và được xuất khẩu sang thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Đình Chiến – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh chia sẻ: “Kinh tế tập thể đã và đang đóng góp quan trọng vào việc nâng cao giá trị nông sản. Các HTX, THT ngày càng phát triển về quy mô, số lượng, chất lượng với những sản phẩm được chứng nhận an toàn hữu cơ đồng thời tạo chuỗi liên kết sản xuất bền vững cho người nông dân để thay đổi tư duy sản xuất, tạo ra giá trị kinh tế cao cho sản phẩm”.
Kinh tế tập thể đang dần khẳng định vai trò là “cầu nối” giữa sản xuất và thị trường, giúp nâng cao giá trị nông sản, cải thiện thu nhập cho người dân. Những kết quả bước đầu đạt được đã tạo nền tảng vững chắc để khu vực kinh tế tập thể tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Với sự đồng hành của chính quyền cùng sự nỗ lực của các HTX, THT, kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái hứa hẹn vươn xa hơn nữa.
Đến nay, sản phẩm của HTX Quế hồi Việt Nam, huyện Trấn Yên đã có mặt trên nhiều thị trường quốc tế, đặc biệt ở những thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp… Các sản phẩm gồm quế điếu thuốc, quế ống, quế tăm, bột quế, tinh dầu quế đều đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao đến 4 sao. |
Thanh Tân
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/12/348613/Yen-Bai-Kinh-te-tap-the-nang-cao-gia-tri-nong-san.aspx