YênBái – Những năm gần đây, hạ tầng giao thông Yên Bái đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo ra động lực to lớn để khai thác tiềm năng các vùng kinh tế. Từ những tuyến đường cao tốc hiện đại đến hệ thống giao thông nông thôn được kiên cố hóa, Yên Bái đang từng bước bứt phá, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế – xã hội khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
|
Nút giao IC12 Văn Phú kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai góp phần khơi dậy tiềm năng các vùng kinh tế.
|
Trước đây, nhắc đến Yên Bái, người ta thường liên tưởng đến những cung đường nhỏ hẹp, quanh co qua đồi núi hiểm trở. Hạ tầng yếu kém từng là rào cản lớn đối với việc giao thương hàng hóa, thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Tuy nhiên, bằng sự quan tâm đầu tư của Trung ương và nỗ lực của tỉnh, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông liên huyện, liên xã và hệ thống giao thông nông thôn được cải thiện toàn diện.
Giai đoạn từ năm 2006 đến nay, nhiều công trình giao thông trọng điểm được đầu tư kết nối thành hệ thống giao thông liên hoàn, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Cùng với các tuyến quốc lộ, việc đầu tư xây dựng thêm 5 cầu bắc qua sông Hồng là: cầu Trái Hút, cầu Bách Lẫm, cầu Tuần Quán, cầu Cổ Phúc và cầu Giới Phiên không chỉ thỏa niềm mong ước của nhân dân mà còn mang theo cả kỳ vọng của các địa phương với mục tiêu kết nối, tạo đà bứt phá phát triển kinh tế – xã hội.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng nghìn ki-lô-mét đường giao thông nông thôn được mở mới, nhựa hóa, bê tông hóa đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh, góp phần hoàn thiện, nâng cao hệ thống đường giao thông nông thôn, giúp người dân đi lại thuận lợi, an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các địa phương, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trở lại xã vùng cao Nậm Búng, huyện Văn Chấn những ngày này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay về diện mạo của vùng quê nơi đây. Rõ nét nhất phải kể đến sự thay đổi ở các tuyến đường giao thông nông thôn. Hình ảnh những con đường mòn, những con đường đất lầy lội không còn nữa, thay vào đó là những tuyến đường được bê tông hóa kéo dài tít tắp đến tận cuối thôn.
Ông Đặng Ngọc Toán – Bí thư Đảng ủy xã Nậm Búng chia sẻ: “Giao thông là huyết mạch, là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Bởi vậy, xã tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động thêm nguồn lực hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ đường giao thông liên xã, liên thôn được bê tông hóa, nhựa hóa đạt 100%, các trục đường nhánh thôn bê tông hóa đạt trên 90%”. Giao thông hoàn thiện tạo đà để địa phương phát triển quy hoạch vùng sản xuất chè trên 400 ha, trên 80 ha cây mắc ca xen chè, vùng cây lâm nghiệp trên 1.000 ha.
Để hoàn thiện hệ thống giao thông, năm 2024, UBND tỉnh Yên Bái đã bố trí 129,7 tỷ đồng và Bộ Giao thông – Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) bố trí 157 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo nền, mặt đường, công trình thoát nước; sửa chữa thay thế các cầu yếu; đầu tư, thay thế, bổ sung hệ thống an toàn giao thông.
Năm 2024, tỉnh cũng tập trung, huy động nguồn lực thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025 gắn với 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn vốn và nguồn nội lực trong nhân dân để thực hiện. Hết năm 2024, toàn tỉnh kiên cố hóa được khoảng 437/400 km đường giao thông nông thôn, vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư 26 dự án, công trình trọng điểm, tổng mức đầu tư khoảng 12.977 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, hạ tầng giao thông hoàn thiện đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn đến với các khu, cụm công nghiệp như: Khu công nghiệp phía Nam thành phố Yên Bái, Khu công nghiệp Âu Lâu, Cụm công nghiệp Minh Quân…
Ông Đoàn Hữu Phung – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh cho biết: “Hiện nay, Yên Bái tiếp tục tập trung đầu tư các dự án giao thông trọng điểm như tuyến đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với huyện Trấn Yên, mở rộng quốc lộ 32C, xây dựng các cây cầu lớn qua sông Hồng, sông Chảy. Tỉnh cũng chú trọng phát triển giao thông nông thôn, đảm bảo kết nối đồng bộ từ thành thị đến nông thôn, từ vùng thấp đến vùng cao. Bên cạnh đó, tỉnh hướng đến phát triển giao thông xanh, thân thiện với môi trường, gắn kết giao thông với quy hoạch đô thị và bảo tồn thiên nhiên. Mục tiêu là xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025 với hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ để khơi dậy tiềm năng các vùng kinh tế của tỉnh”.
Giao thông không chỉ đơn thuần là phương tiện vận chuyển mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển toàn diện ở Yên Bái. Từ nông nghiệp, công nghiệp đến du lịch, mọi lĩnh vực đều đang được khơi dậy mạnh mẽ nhờ những con đường rộng mở. Với quyết tâm đầu tư đồng bộ và bài bản, Yên Bái đang từng bước “đánh thức” tiềm năng to lớn của mình, hướng tới một tương lai phát triển bền vững, thịnh vượng.
Đến nay, một số dự án, công trình giao thông quan trọng được đầu tư xây dựng đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh như: đường nối quốc lộ 37, quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài – Lào Cai; đường Văn Chấn – Yên Lập (Phú Thọ); đường Sơn Lương – Nậm Mười – Sùng Đô, huyện Văn Chấn; cầu Tô Mậu, huyện Lục Yên… |
Lê Thanh
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/12/348588/Yen-Bai-Giao-thong—dong-luc-phat-trien.aspx