YênBái – Chưa đầy nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, nhất là mặt hàng thịt gia súc, gia cầm tăng cao. Nắm bắt được điều này, các hộ chăn nuôi, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tập trung chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi, chuẩn bị cung cấp nguồn cung thực phẩm lớn cho thị trường cuối năm.
Lãnh đạo xã Minh Quán, huyện Trấn Yên nắm bắt tình hình chăn nuôi tại Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp MQ.
|
>> Yên Bái tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
>> Yên Bái bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết
Trước những tín hiệu tích cực của thị trường về giá lợn hơi nhiều tháng qua, gia đình ông Nguyễn Thế Mạnh, thôn Tiên Phú, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái chủ động chăm sóc, phòng bệnh tốt cho đàn lợn rừng Thái Lan. Hiện nay, gia đình ông duy trì mỗi lứa từ 20 – 30 lợn thương phẩm, giá bán thời điểm hiện tại là 150.000 đồng/kg, đến thời điểm tết có thể cao hơn.
Ông Mạnh chia sẻ: “Cuối năm sẽ có những đợt lạnh kéo dài, vì vậy, tôi luôn chú trọng đến chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn cho đàn vật nuôi để nâng cao sức đề kháng, có thể chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt và ngăn chặn nguy cơ mầm bệnh xâm nhập. Bên cạnh đó, tôi định kỳ vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc-xin, không cho người lạ ra vào khu vực chăn nuôi nhằm hạn chế tối đa việc dịch bệnh xâm nhập”.
Là địa phương có phong trào chăn nuôi khá tốt, huyện Trấn Yên có trên 700 mô hình chăn nuôi gia cầm quy mô từ 1.000 con trở lên; 3 mô hình trang trại chăn nuôi gà ở xã Hòa Cuông, Minh Quán, Thịnh Thành; 5 trang trại lợn ở các xã Tân Đồng, Y Can, Lương Thịnh, Cường Thịnh và hàng ngàn mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ. Tổng đàn gia súc chính năm 2024 của huyện Trấn Yên đạt trên 91.000 con.
Bà Triệu Thị Bích Liệu – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: “Trước khi người dân thực hiện tái đàn, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức các buổi tập huấn để người dân trao đổi kinh nghiệm cũng như kịp thời cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường, dự báo về giá các loại thịt gia súc, gia cầm và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh”.
Nắm bắt nhu cầu thực phẩm cuối năm tăng cao, từ tháng 9/2024, nhiều hộ chăn nuôi đã tập trung tái đàn, tăng đàn, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm đủ nguồn thực phẩm cho thị trường.
Anh Nguyễn Tiến Sơn – Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp MQ, xã Minh Quán cho biết: “Hợp tác xã của tôi thành lập từ 2018, quy mô 7.000 con gà thịt. Do đã được thương lái đặt mua để bán dịp cuối năm nên tôi đặc biệt quan tâm đến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và kỹ thuật chăm sóc. Với kinh nghiệm nhiều năm, theo nhu cầu của thị trường, tôi ưu tiên nuôi gà trống nhiều hơn do nhu cầu của người dân làm cỗ cúng, lễ tết. Bên cạnh kỹ thuật nuôi gà thông thường về dinh dưỡng, nguồn nước uống, tiêm vắc-xin đầy đủ, để phù hợp với tiêu chí lựa chọn gà cúng truyền thống của người dân, tôi chọn nuôi giống gà mía và phải sắp xếp khu vực chuồng hợp lý. Bên cạnh đó, ngoài sử dụng cám công nghiệp, tôi bổ sung thêm vào khẩu phần ăn của gà các loại rau, cám, lúa, ngô… và một số loại thảo dược để chất lượng gà thịt ngon hơn”.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; khuyến cáo người chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, theo dõi diễn biến của thời tiết để chăm sóc, phát hiện sớm những biểu hiện bất thường trên đàn vật nuôi; chủ động cập nhật thông tin về tình hình thị trường để ổn định nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm.
Ông Đàm Duy Đức – Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Đơn vị đề nghị UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động chăm sóc, phòng dịch cho đàn vật nuôi; kiên quyết xử lý các cơ sở chăn nuôi lợi dụng nhu cầu thực phẩm tăng cao cuối năm có những hành vi sử dụng chất cấm để vỗ béo đàn vật nuôi”.
Thời điểm cuối năm, thường xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại, ảnh hưởng đến sự phát triển của vật nuôi, vì vậy, các hộ chăn nuôi cần cân đối các loại thức ăn để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi; chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin theo đúng quy định, góp phần bảo đảm ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường.
Hiện nay, toàn tỉnh có đàn gia súc chính gần 900.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt trên 80.000 tấn. Dự kiến, vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi có thể tăng thêm từ 10 đến 30% so với ngày thường. |
Thanh Tân
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/12/344868/Yen-Bai-dap-ung-nhu-cau-thuc-pham.aspx