YênBái – Yên Bái là 1 trong 5 tỉnh phía Bắc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thí điểm triển khai cấp mã số vùng trồng rừng. Việc minh bạch chuỗi cung gỗ bằng mã số vùng trồng rừng chính là tạo tấm vé thông hành cho sản phẩm ngành gỗ Yên Bái vươn ra thị trường thế giới.
Cán bộ kiểm lâm Yên Bái tuyên truyền, hỗ trợ người dân cấp mã số vùng trồng rừng.
|
>> Yên Bái thí điểm cấp, quản lý mã số vùng trồng rừng và khởi động Dự án FCBMO
>> Yên Bái phát triển mã số vùng trồng cho nông sản
Gia đình ông Mễ Văn Giáo ở thôn Đá Chồng, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình là một trong những hộ đầu tiên của tỉnh Yên Bái được cấp mã số vùng trồng cho 1,3 ha cây keo lai của gia đình. Với gia đình ông Giáo, việc cấp mã vùng trồng rừng sẽ giúp gia đình ông xác nhận được quyền sở hữu và quản lý rừng trồng. Đây cũng là điều kiện để gia đình ông được tiếp cận các chương trình hỗ trợ vốn vay và quan trọng hơn đó là sản phẩm gỗ của gia đình ông sẽ được nâng cao giá trị và tiếp cận với nhiều thị trường. Ông Giáo cũng cài đặt phần mềm iTwood để quản lý diện tích rừng trồng được cấp mã dễ dàng hơn.
Ông Giáo cho biết: “Qua được tuyên truyền, chúng tôi đã hiểu và nắm được tầm quan trọng của việc cấp mã số rừng trồng. Từ đó, giúp gia đình quản lý được diện tích rừng chỉ qua chiếc điện thoại thông minh”.
Yên Bái là một trong 5 tỉnh phía Bắc (cùng với Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thí điểm cấp mã vùng trồng rừng nguyên liệu. Đến nay, tổng diện tích rừng đăng ký cấp mã số vùng trồng của tỉnh đã đạt trên 600ha. Trong đó, diện tích được xác minh và cấp mã số vùng trồng rừng trên 300ha, trên 320 mã đã được cấp tại địa bàn 3 xã của huyện Yên Bình là Đại Đồng, Phú Thịnh và Tân Hương.
Mã số vùng trồng rừng được cấp cho các loài cây trồng chủ yếu: quế, keo lai, keo tai tượng, bạch đàn Uro, bồ đề… Đây cũng là các loại cây trồng chính trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Việc được cấp mã vùng trồng rừng là cơ hội lớn cho người trồng rừng và các doanh nghiệp chế biến gỗ trong việc mở rộng, ổn định thị trường xuất khẩu.
Theo Giáo sư, tiến sĩ Võ Đại Hải – Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, việc cấp mã số vùng trồng cho diện tích rừng sản xuất của Yên Bái là cấp thiết, giúp sản phẩm gỗ rừng trồng Yên Bái khẳng định được tên tuổi, phát huy lợi thế cạnh tranh. Bởi, hiện nay tất cả những sản phẩm không chỉ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, minh bạch được thông tin, truy xuất được nguồn gốc sẽ đem lại niềm tin và là sự lựa chọn số một của người tiêu dùng.
Mã số vùng trồng là một yêu cầu quan trọng nhằm minh bạch hoá thông tin về nguồn gốc sản phẩm và công nghệ để tạo ra sản phẩm đó. Nền tảng cho việc cấp mã vùng trồng rừng là hệ thống iTwood – một công cụ hỗ trợ quản lý chuỗi cung gỗ theo thời gian thực. Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để triển khai cấp mã vùng trồng rừng nguyên liệu, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Trung tâm Nguyên cứu kinh tế lâm nghiệp tổ chức các cuộc họp thống nhất với các địa phương, chủ rừng để lựa chọn địa bàn thí điểm cấp mã. Đồng thời tổ chức tập huấn về quy trình đăng ký hồ sơ cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ số, hệ thống iTwood để hỗ trợ chủ rừng đăng ký tài khoản, khai báo thông tin chủ thể, quyền sử dụng đất và lô lên hệ thống.
Ông Dương Anh Tuấn – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Bình chi tiết thêm: Là công cụ hỗ trợ quản lý chuỗi cung gỗ theo thời gian thực nên ở Hệ thống iTwood, mỗi khâu trong quy trình tạo lập hồ sơ sẽ được cấp một mã QR, bảo đảm dòng chảy thông tin liên tục về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu từ khâu trồng rừng- khai thác- thương mại.
Nhờ sử dụng mô hình điện toán đám mây, iTwood hỗ trợ người sử dụng truy xuất nguồn gốc gỗ nhanh chóng, hiệu quả nhất. Cũng từ đó, thông tin về nguồn gốc sản phẩm được minh bạch hóa nhất. Việc cấp mã số rừng trồng cũng sẽ giúp lực lượng kiểm lâm dễ dàng quản lý, theo dõi hiện trạng rừng một cách chặt chẽ, mọi thông tin, hình ảnh, hiện trạng rừng được cập nhật đầy đủ trên máy, rất dễ dàng trong quản lý và chỉ đạo sản xuất.
Yên Bái là một trong 13 tỉnh của vùng trung du, miền núi phía Bắc có tổng diện tích tự nhiên trên 689.000 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp chiếm trên 70% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Điều này giúp Yên Bái có lợi thế lớn về phát triển kinh tế lâm nghiệp với sản lượng khai thác đạt khoảng 840 nghìn m3/năm. Chính vì thế, việc triển khai cấp, quản lý cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu sẽ giúp tỉnh Yên Bái phát huy được tối đa lợi thế này. Điều này không chỉ giúp người dân gia tăng giá trị kinh tế lâm nghiệp mà còn tăng hiệu quả công tác quản lý, hỗ trợ của các cấp, giúp minh bạch hóa lâm sản xuất khẩu, tạo cơ hội cho ngành gỗ Yên Bái đồng thời cũng là gợi mở hướng xây dựng mã số vùng trồng với tất cả sản phẩm nông lâm sản nói chung.
Thu Trang
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/12/342609/Yen-Bai-cap-ma-so-vung-trong-giup-minh-bach-hoa-lam-san-xuat-khau.aspx