YênBái – Hệ thống khuyến nông tỉnh Yên Bái đã phát huy vai trò là cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với hộ dân và thị trường; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Mô hình trồng dâu, nuôi tằm tại xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn cho hiệu quả kinh tế cao.
|
>> Yên Bái tiếp tục là điểm sáng xây dựng nông thôn mới
>> Yên Bái phát huy sức mạnh đại đoàn kết xây dựng nông thôn mới
Đóng góp không nhỏ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Yên Bái, những năm qua, hoạt động khuyến nông đã tập trung chú trọng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), thông tin và đào tạo tay nghề cho nông dân; trọng tâm theo hướng dịch vụ bám sát vào các nhóm nhiệm vụ chính đó là: chuyển giao công nghệ, hỗ trợ hình thành phát triển hợp tác xã, thông tin thị trường, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, hỗ trợ chuyển đổi số.
Vai trò quan trọng của khuyến nông được khẳng định rất rõ tại chỉ tiêu 13.5 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 – 2025, đó là xã đạt chuẩn NTM phải có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả. Theo đó, 150 tổ khuyến nông cộng đồng theo từng xã, phường đã được thành lập mà thành viên là lãnh đạo UBND xã, cán bộ đoàn thể, công chức địa chính nông – lâm, viên chức Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, đại diện hợp tác xã, nông dân điển hình… luôn sâu sát địa bàn, hoạt động linh hoạt, trách nhiệm, hiệu quả với trên 1.300 thành viên trải rộng địa bàn toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Đức Điển – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Hệ thống khuyến nông tỉnh đã phát huy vai trò là cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với hộ dân và thị trường; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và công cuộc xây dựng NTM của tỉnh. Các tổ khuyến nông cộng đồng thời gian qua đã tham gia tổ chức được trên 200 lớp tập huấn, đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho gần 8.000 nông dân; tham gia tư vấn thành lập gần 200 hợp tác xã, tổ hợp tác; tư vấn kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm với số lượng hợp đồng liên kết sản xuất 50 hợp đồng về các sản phẩm chủ lực của Yên Bái; tư vấn quản lý chất lượng truy xuất nguồn gốc được gần 70 sản phẩm; tư vấn hỗ trợ về chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, của huyện…, đảm bảo nguyên tắc hoạt động công khai, minh bạch, liên kết hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức trong quá trình hoạt động…
Luôn đồng hành cùng nông dân Yên Bái đưa kiến thức, tiến bộ KHKT đến với nông dân một cách nhanh nhất, kịp thời và hiệu quả nhất, đội ngũ cán bộ khuyến nông trong tỉnh luôn theo sát nhiệm vụ xây dựng NTM của địa phương khi tham gia xây dựng thành công các mô hình phát triển kinh tế trong nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân. Có thể kể đến mô hình trồng dâu, nuôi tằm phục vụ phát triển ổn định nghề trồng dâu, nuôi tằm ở một số tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai.
Với mục tiêu, nâng cao năng lực của các cơ sở nuôi tằm, phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm gắn với xây dựng NTM, du lịch sinh thái và giảm nghèo bền vững, tại tỉnh Yên Bái, năm 2024, đội ngũ cán bộ khuyến nông tỉnh và khuyến nông cộng đồng đã tham gia triển khai mô hình tại xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đặng Thành Trung cho biết: Đánh giá kết quả bước đầu từ mô hình cho thấy, với 1 ha dâu, năng suất lá dâu bình quân của các hộ tham gia mô hình tăng hơn so với các hộ ngoài mô hình 3.348 kg/ha lá dâu, tăng 14%; hiệu quả kinh tế của các hộ tham gia mô hình tăng hơn so với các hộ ngoài mô hình 15,6%. Các tiến bộ KHKT trong chăn nuôi tằm được chuyển giao áp dụng như: sử dụng sàn nuôi, né đôi đã giảm hẳn công chăm sóc và bệnh trên tằm nuôi.
Với 720 vòng tằm, hiệu quả kinh tế đạt hơn 90 triệu đồng, kén tằm tăng năng suất trung bình 8,5%, tăng hiệu quả kinh tế trung bình 11,5% so với trồng dâu nuôi tằm đại trà. Đến nay, trong vùng triển khai mô hình đã mở rộng trồng mới được 5 ha dâu, có thêm 8 hộ nuôi tằm ngoài mô hình áp dụng làm theo… Đó chỉ một trong số rất nhiều mô hình xây dựng thành công mà đóng góp của đội ngũ cán bộ khuyến nông đối với thành quả nông nghiệp, nông thôn và NTM của tỉnh là không thể phủ nhận.
Hiện nay, tỉnh Yên Bái đang thực hiện xây dựng chương trình khuyến nông giai đoạn 2026 – 2030 theo hướng thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp dựa trên thế mạnh của từng vùng, nhu cầu của thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyển dịch theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng gắn với xây dựng NTM bền vững. Theo đó, hướng đến xây dựng đội ngũ khuyến nông đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, có sự gắn bó của hệ thống từ tỉnh tới cơ sở, đáp ứng được vai trò chủ đạo, định hướng xã hội hóa khuyến nông.
Minh Thúy
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/12/344082/Xay-nong-thon-moi-Yen-Bai-manh-giau.aspx