YênBái – Xác định du lịch tâm linh và du lịch sinh thái là 2 tiềm năng lớn, 2 hướng đi chiến lược “vàng” mở lối bứt phá cho sự phát triển du lịch, những năm qua, huyện Văn Yên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Qua đó, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, phát huy tiềm năng thiên nhiên kỳ vĩ, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, mở ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững.
Hàng năm, Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo du khách.
|
>>Văn Yên lấy du lịch sinh thái, văn hóa làm chủ đạo
>>Văn Yên khai thác tiềm năng để phát triển du lịch
>>Mùa vàng ở Khe Táu
Đến với Văn Yên là đến với miền đất của những câu chuyện huyền thoại, nơi mà mỗi con đường, dòng sông đều chất chứa những giá trị văn hóa, tâm linh sâu sắc. Đền Đông Cuông và đền Nhược Sơn là 2 di tích tâm linh nổi bật lưu giữ những giá trị lịch sử đặc sắc. Mỗi câu chuyện, mỗi huyền tích gắn liền với các đền đều mang sức sống của văn hóa bản địa.
Biến tiềm năng thành lợi thế để phát triển du lịch, hàng năm, huyện duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống tại 2 di tích, gắn nhu cầu đi lễ kết hợp du lịch, tạo thêm “lực đẩy” cho du lịch tâm linh phát triển. Huyện cũng chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tổ chức lễ hội, hoạt động văn hóa gắn với lễ hội, tạo không khí vui tươi, náo nhiệt; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm việc thực hiện văn minh thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các điểm di tích nhằm tăng sức hút, tạo thuận tiện hơn cho du khách. Năm 2024, Lễ hội đền Đông Cuông, Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông và Lễ hội đền Nhược Sơn đã thu hút trên 98.000 lượt du khách.
Đồng chí Trần Trung Kiên – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: “Nhận thức rõ vai trò của câu chuyện văn hóa trong việc gắn kết du khách, Phòng đã chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn dày công sưu tầm các câu chuyện, huyền tích, điển tích sẵn có trong các tài liệu cổ, các câu chuyện về các di tích đã được công nhận, các bài giới thiệu về các khu vực có hoạt động du lịch. Sau đó, Phòng tổ chức biên soạn lại theo hướng ngắn gọn, hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tìm hiểu của du khách và xây dựng, gửi tỉnh xuất bản cuốn sách “Yên Bái – Con đường di sản”, “Sổ tay các chương trình du lịch tỉnh Yên Bái”. Đây là cây cầu nối để những giá trị văn hóa của Văn Yên chạm đến trái tim du khách gần xa”.
Song hành với du lịch tâm linh, du lịch sinh thái tại Văn Yên mở ra một hành trình khám phá kỳ thú cho du khách thập phương. Với hệ sinh thái, động thực vật phong phú, đa dạng của rừng nguyên sinh Nà Hẩu, thác Suối Tiên, thác Khe Rồng, Khe Cam thơ mộng và những sắc màu văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số, Văn Yên mang đến một bức tranh thiên nhiên, văn hóa đa chiều, hài hòa, đầy sức sống. Hàng năm, Lễ hội Tết rừng Nà Hẩu thu hút đông đảo du khách, từ những trò chơi dân gian đến phiên chợ quê đều mang đậm nét đặc sắc của cộng đồng. Năm 2024, Lễ hội đã đón hơn 8.000 lượt khách.
Bên cạnh đó, huyện sáng tạo triển khai phong trào “Trồng cây làm du lịch” và đã có trên 1.200 cây xanh được trồng tại xã Phong Dụ Thượng, xã Nà Hẩu. Đây là bước khởi đầu tích cực giúp cải tạo môi trường sinh thái, bảo vệ cảnh quan, nâng cao ý thức cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên. Đặc biệt, huyện đã tạo điểm nhấn thu hút du khách bằng việc sáng tạo tổ chức chuỗi hoạt động du lịch độc đáo.
Nổi bật là Giải đua mảng lần thứ II “Đồng Sung xanh mát, bát ngát hương rừng” trên lòng hồ thủy điện Đồng Sung; khởi động “Khe Rồng – Thác nguồn của thiên nhiên” tại thôn Khe Rồng, xã An Bình và “Khe Cam – mùa nước đổ” xã Ngòi A; tổ chức Lễ hội truyền thống “Sắc màu văn hóa các dân tộc” lần thứ II tại xã Phong Dụ Thượng và “Ra mắt sản phẩm du lịch xanh ruộng bậc thang Khe Táu”.
Chị Trần Phương Thảo – du khách đến từ tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Văn Yên thật sự là điểm đến đáng nhớ. Thiên nhiên nơi đây còn rất nguyên sơ, văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông, Dao khiến tôi như lạc vào một thế giới mới. Những hoạt động, lễ hội đầy màu sắc, sự hiếu khách của người dân địa phương đã để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm. Chắc chắn tôi sẽ quay lại cùng người thân để trải nghiệm thêm vẻ đẹp của vùng đất này trong một kỳ nghỉ lễ gần nhất”.
Hành trình phát triển du lịch của Văn Yên chính là câu chuyện về khai thác tiềm năng, là bài học về sự hài hòa giữa bảo tồn và đổi mới. Mỗi lễ hội, mỗi mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng đều là minh chứng cho tầm nhìn dài hạn, trách nhiệm với di sản thiên nhiên, văn hóa của địa phương. Tin tưởng từ những giải pháp chiến lược được thực thi đồng bộ, Văn Yên sẽ trở thành điểm đến đầy sức sống, bền vững, thu hút đông đảo du khách bốn phương.
Huyện Văn Yên đã tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển 7 mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng, 1 điểm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp hội nghị, hội thảo; xây dựng sản phẩm OCOP 4 sao đối với Điểm du lịch cộng đồng Bản Tát xã Nà Hẩu, OCOP 3 sao đối với “Điểm du lịch sinh thái – cộng đồng thôn Minh Khai” xã Quang Minh… |
Lê Thương
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/226/344263/Van-Yen-Chien-luoc-vang-mo-loi-but-pha-phat-trien-du-lich.aspx