YênBái – Văn học và nghệ thuật luôn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và phát triển con người toàn diện. Nhận thức sâu sắc điều này, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng nhằm định hướng và thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh tỉnh Yên Bái sáng tác tại huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: Thanh Chi)
|
>> Văn nghệ sĩ Yên Bái và sứ mệnh quảng bá hình ảnh quê hương
>> Yên Bái gặp mặt trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu năm 2023
>> Nhiếp ảnh góp phần quảng bá đất và người Yên Bái
Cụ thể, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khóa X đã khẳng định: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.
Tiếp đó, Nghị quyết số 33-NQ/TW năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương đã nhấn mạnh việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của văn nghệ sĩ trong việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam.
Nghị quyết nhấn mạnh: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Những định hướng và hoạt động này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, khẳng định vai trò quan trọng của họ trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong suốt chiều dài lịch sử, truyền thống yêu nước, đoàn kết và lao động sáng tạo đã trở thành nền tảng văn hóa vững chắc của dân tộc Việt Nam. Từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền thống này càng được phát huy mạnh mẽ, định hướng đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thế giới.
Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò của văn nghệ sĩ, xem họ như những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Người từng nhấn mạnh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Gần đây, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đặc biệt chú trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật”.
Tại Yên Bái, đội ngũ văn nghệ sĩ đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người địa phương. Sau khi đất nước thống nhất, nhiều người con Yên Bái yêu văn nghệ từ các chiến trường trở về, tiếp tục sáng tác trong các lĩnh vực như thơ, văn, nhạc, họa, nhiếp ảnh, đạo diễn sân khấu. Từ năm 1990 đến nay, hàng loạt tác phẩm về Yên Bái đã đến với công chúng, phục vụ trực tiếp cho công cuộc đổi mới, hội nhập và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, các văn nghệ sĩ cũng góp phần phát hiện, bồi dưỡng những cây bút trẻ, trở thành tác giả văn học nghệ thuật địa phương.
Về tư tưởng, các văn nghệ sĩ Yên Bái nhận thức rõ vai trò là người chuyển tải tiếng nói của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân, góp phần nhận diện và phản bác những nhận thức, hành vi trái với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh luôn chú trọng yếu tố tư tưởng trong mỗi tác phẩm mà tác giả xây dựng.
Về phương pháp, các tác giả cố gắng đưa sản phẩm lao động nghệ thuật của mình đến với bạn đọc một cách sinh động và mới mẻ nhất, tiếp cận sự cách tân trong bút pháp mà không làm mất đi tính truyền thống và tính kế thừa. Để có được một tác phẩm chất lượng, ngoài tài năng, còn đòi hỏi có phương pháp, khổ công và tâm huyết nghề nghiệp.
Trách nhiệm của văn nghệ sĩ trước hết là trách nhiệm của một công dân Việt Nam trước Hiến pháp và pháp luật; trước lịch sử dân tộc và khát vọng xây dựng cuộc sống hạnh phúc của người dân. Mỗi tác phẩm tạo ra cần mang tính nhân văn, phục vụ người lao động và sự tiến bộ của xã hội. Tự do sáng tạo là yêu cầu chính đáng và cần thiết của văn nghệ sĩ, nhưng phải là “nghệ thuật vị nhân sinh” chứ không phải “nghệ thuật vị nghệ thuật”.
Mấy chục năm qua, văn nghệ sĩ Yên Bái đã thực hiện được điều này. Dù còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa nhưng các tác phẩm văn học và nghệ thuật tiêu biểu nhất đã trở thành công trình, chuyển tải thông điệp về đất nước, con người, được công chúng đón nhận, lớp trẻ lưu truyền cảm hứng, bạn bè trong và ngoài nước trân trọng.
Hiện thực cuộc sống là nguồn cảm hứng vô tận của văn nghệ sĩ. Đường hướng tư tưởng đã rõ ràng. Môi trường sáng tạo văn học – nghệ thuật đã rộng mở. Lực lượng đồng hành cùng văn nghệ sĩ luôn ở bên họ. Vấn đề là làm thế nào để chuyển nội lực thành nguồn lực, biến di sản thành tài sản. Điều đó mỗi tác giả, văn nghệ sĩ có trách nhiệm phải tự trả lời.
Anh Dũng
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/16/344458/Van-nghe-si-gop-cong-xay-dung-phat-trien-van-hoa-c111n-nguoi-Yen-Bai.aspx