YênBái – Ngay từ đầu vụ đông, ngành nông nghiệp và các xã, thị trấn trong huyện Văn Chấn đã rộn ràng không khí “sáng lúa, chiều ngô”.Người dân Văn Chấn coi đây là vụ sản xuất chính mang lại giá trị kinh tế cao trên lợi thế là địa phương có diện tích sản xuất cây vụ đông lớn.
Lãnh đạo UBND xã Sơn Lương thăm mô hình trồng bí lấy hạt.
|
>>Yên Bái tích cực sản xuất vụ đông
>>Văn Chấn quyết giành thắng lợi vụ đông
Cũng như nhiều năm trước, sau khi thu hoạch xong vụ hè thu, gia đình chị Lò Thị Lương ở thôn Nà La, xã Sơn Lương bắt tay vào làm đất chuẩn bị gieo trồng cây vụ đông. Trên diện tích 3.000 m2 đất màu, năm nay gia đình chuyển một nửa diện tích sang trồng ngô, phần còn lại trồng bí lấy hạt. Nếu thời tiết thuận lợi thì thu nhập từ cây vụ đông cao gấp 3 – 4 lần so với trồng lúa nên nhà chị đã tận dụng tối đa diện tích đất để tăng thu nhập. Theo tính toán, bình quân 1.000 m2 rau màu vụ đông sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lãi 10 triệu đồng.
Chị Lương cho biết: “Sản xuất vụ đông tuy vất vả do thời tiết phức tạp nhưng bù lại cho hiệu quả kinh tế cao, vì vậy gia đình tôi luôn chú trọng sản xuất theo khung thời vụ và thường tận dụng hết diện tích, không để đất trống”.
Ông Lự Văn Tuấn – Chủ tịch UBND xã Sơn Lương chia sẻ: “Đảm bảo đúng lịch thời vụ, UBND xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo sản xuất vụ đông để triển khai kế hoạch, phân công các thành viên đôn đốc bà con đẩy nhanh tiến độ gieo trồng. Cùng với đó, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật làm bầu, trồng, chăm sóc ngô và cây màu vụ đông cho nông dân. Có truyền thống sản xuất cây vụ đông nên Sơn Lương luôn xác định vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm”.
Năm nay, địa phương có kế hoạch trồng 130 ha cây vụ đông, trong đó có 70 ha ngô, 10 ha khoai lang, 50 ha rau đậu các loại. Hiện nay, nhân dân các thôn Nà La, Bản Giõng, Bản Lằm, Bản Tủ, Tảnh Hanh đã tập trung phát triển một số loại cây rau màu có hiệu quả kinh tế cao như các giống bí, mướp lấy hạt, cà chua, rau, đậu, su hào, bắp cải, mướp đắng…
Đảm bảo sản xuất cây vụ đông đạt hiệu quả cao, ngay sau cơn bão số 3 khoảng một tuần, xã Đồng Khê đã đôn đốc bà con nhanh chóng bắt tay vào việc làm đất để trồng các loại cây vụ đông, bù đắp diện tích bị thiệt hại. Đến thời điểm này, toàn xã đã hoàn thành gieo trồng cơ bản diện tích, trong đó chủ yếu là cà chua, dưa chuột, mướp đắng, mướp canh, rau các loại…
Để nâng cao năng suất mùa vụ và thuận lợi cho việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bà con nông dân đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng chuyên canh và đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trên cánh đồng thôn Thác Vác, nông dân đang tích cực xuống đồng để chăm sóc cây ngô, khoai lang, bí và cà chua.
Người dân xã Đồng Khê đẩy mạnh sản xuất rau màu vụ đông.
Ông Trần Văn Nam ở thôn Thác Vác, xã Đồng Khê cho biết: Năm nào cũng vậy, thu hoạch xong lúa mùa là gia đình tôi tập trung nhân lực làm cây vụ đông cho kịp khung thời vụ. Nhà tôi trồng 6 sào rau màu, trong đó có 3 sào ngô, 1 sào khoai lang, 2 sào cà chua, bắp cải, su hào. Ngô là loại cây truyền thống gia đình đã có kinh nghiệm nhiều năm nên việc trồng, chăm sóc khá dễ dàng. So với các cây trồng khác thì ngô là loại cây dễ trồng nhưng để có năng suất cao cần phải chú ý đến khâu chọn giống và chăm sóc. Đối với cà chua phải làm giàn cho cây leo, tỉa lá già ở gốc để hạn chế sâu bệnh và thu hái nhanh những quả đã đến kỳ thu hoạch để cây khỏe và cho nhiều quả. Tại xã Đồng Khê nhiều năm nay, cây ngô đã trở thành cây trồng chủ lực của bà con nông dân nơi đây. Với hơn 83 ha cây trồng vụ đông thì cây ngô chiếm đến 35 ha, diện tích còn lại là khoai lang, các loại rau màu khác.
Ông Phạm Nguyên Bình – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn chia sẻ: “Vụ đông năm nay, huyện Văn Chấn đưa vào sản xuất 1.300 ha cây vụ đông các loại. Trong cơ cấu cây trồng thì ngô đông vẫn giữ vai trò chủ đạo với diện tích 600 ha, trong đó ngô đông trồng trên đất 2 vụ lúa là 200 ha, trồng trên đất soi bãi 400 ha; khoai lang 250 ha; rau đậu các loại 450 ha. Trong sản xuất vụ đông thì thời vụ đóng vai trò quyết định, do đó huyện chỉ đạo sát sao việc chuyển đổi thời vụ lúa xuân, lúa mùa bằng các giống lúa ngắn ngày để kịp thời vụ làm vụ đông; thường xuyên mở các lớp tập huấn, tư vấn kỹ thuật”.
Với phương châm “sáng lúa, chiều ngô”, các xã đã khẩn trương thu hoạch lúa mùa sớm để tận dụng thời gian tốt nhất gieo trồng vụ đông. Ngoài cây ngô đông truyền thống, nhân dân tập trung phát triển một số loại cây rau màu có hiệu quả kinh tế cao như: cà chua, rau, đậu, su hào, bắp cải, mướp đắng…; sử dụng các giống tiến bộ kỹ thuật có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sản xuất theo hướng an toàn và trồng rải vụ phù hợp với từng loại giống, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ.
Chỉ đạo quyết liệt, chủ động, tích cực, vụ đông ở Văn Chấn hứa hẹn sẽ thắng lợi toàn diện, góp phần tăng thêm sản lượng lương thực, thực phẩm và thu nhập cho người dân đồng thời đảm bảo nguồn thức ăn phục vụ phát triển đàn gia súc, vật nuôi trong mùa đông.
Văn Chấn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư và tiêu thụ nông sản vụ đông cho nông dân đồng thời chỉ đạo các hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện liên kết chặt chẽ trong tổ chức sản xuất từ khâu gieo trồng đến thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm… Đặc biệt, huyện chú trọng khuyến cáo bà con áp dụng kỹ thuật tổng hợp đối với từng loại cây trồng trong khung thời vụ để phát huy hiệu quả; thực hiện bón phân, tưới nước phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, tạo điều kiện thuận lợi để cây trồng phát triển tốt. |
Quang Thiều
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/12/341890/Van-Chan-sang-lua-chieu-ngo.aspx