YênBái – Là cây trồng tự phát, mang tính thử nghiệm, sau nhiều năm, mắc ca đã khẳng định sự phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nhiều địa phương trên toàn tỉnh. Cây phát triển tốt, khá sai quả, trở thành cây trồng mang nhiều triển vọng xóa đói giảm nghèo và từng bước làm giàu cho nông dân.
|
Chế biến hạt mắc ca tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thịnh.
|
>> Yên Bái kỳ vọng từ cây mắc ca
>> Yên Bái phát triển diện tích trồng mắc ca
>> Triển vọng trồng và phát triển cây mắc ca ở Yên Bái
Có mặt trên địa bàn tỉnh năm 2011 nhưng phải từ năm 2020 đến nay, cây mắc ca mới trở nên phổ biến ở nhiều địa phương, trong đó huyện Văn Chấn có diện tích mắc ca lớn nhất toàn tỉnh. Diện tích này đã tăng rất nhanh kể từ khi huyện triển khai Đề án trồng mắc ca xen chè giai đoạn 2020 – 2023 tại 5 xã, thị trấn trên địa bàn gồm: Nậm Búng, Gia Hội, Đồng Khê, thị trấn Nông trường Liên Sơn và thị trấn Sơn Thịnh với sự hỗ trợ 50.000 đồng/cây giống.
Huyện còn triển khai tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật và trực tiếp hướng dẫn, đồng hành cùng các hộ tham gia; kiểm soát nguồn giống đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng chất lượng theo quy trình kỹ thuật; rà soát diện tích đạt tiêu chuẩn, nghiệm thu các giai đoạn từ chuẩn bị đất, làm đất, đào hố… Nhờ đó, không chỉ tỷ lệ sống đạt cao mà người dân đều nắm được kỹ thuật trồng và chăm giống cây trồng mới này.
Theo những người trồng mắc ca ở Văn Chấn, trồng mắc ca xen chè đã mang lại lợi ích kép. Ngoài việc tăng độ che bóng mát cho chè, góp phần tăng năng suất của cây chè thì còn gia tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất, tiết kiệm chi phí, công chăm sóc. Cây mắc ca còn phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu trong vùng, có thể trồng xen với phần diện tích đã trồng chè và trồng thuần trên diện tích đất rừng sản xuất kém hiệu quả.
Đến nay, toàn huyện đã phát triển được vùng nguyên liệu mắc ca rộng tới 550 ha, trong đó, một số diện tích này đã được thu hoạch quả bói, được đánh giá cao về chất lượng, giá bán bình quân khoảng 40.000 đồng/kg, hứa hẹn sẽ mang lại thu nhập tốt cho nhân dân.
Năm 2025, huyện Văn Chấn sẽ hỗ trợ nhân dân tiếp tục trồng mới khoảng 20ha mắc ca xen chè với cơ chế hỗ trợ một phần cây giống và kỹ thuật cho nhân dân. Đồng thời, huyện cũng đang khẩn trương lập chuỗi liên kết cho sản phẩm mắc ca, không để nhân dân phải tự lo về thị trường tiêu thụ.
Mắc ca đã khẳng định được sự phù hợp với Yên Bái khi không chỉ trồng thành công ở các huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên mà cả những địa bàn vùng cao, khí hậu khắc nghiệt cùng trình độ canh tác hạn chế như Mù Cang Chải cũng không ngoại lệ.
Ông Vàng A Trừ ở bản Nả Dề Thàng, xã Khao Mang cho biết: “Gia đình tôi trồng gần 80 gốc mắc ca trên diện tích đất trồng ngô của gia đình được 5 năm rồi. Cây mắc ca sinh trưởng, phát triển khá tốt, không cần chăm sóc nhiều chỉ cần nắm một số lưu ý cho từng giai đoạn sinh trưởng. Năm ngoái, gia đình được thu hoạch quả bói rồi nhưng sản lượng rất ít nên chưa bán được. Diện tích trồng mắc ca đó hằng năm vẫn trồng, thu hoạch ngô được bình thường để chăn nuôi. Một vài năm nữa khi sản lượng cây ổn định hơn, chúng tôi rất mong được tỉnh, huyện quan tâm, kết nối tiêu thụ sản phẩm”.
Năm 2024, sản lượng mắc ca toàn tỉnh đạt khoảng 150 tấn và đang tăng lên hàng năm khi cây bước vào giai đoạn phát triển ổn định tuy nhiên sản phẩm đang chủ yếu do người dân tự tiêu thụ. Trên địa bàn huyện Văn Chấn mới thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thịnh, tham gia chế biến sản phẩm từ mắc ca, có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Ông Ngô Duy Hiệp – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thịnh cho biết: “Từ năm 2022, chúng tôi đã nghiên cứu công thức và đầu tư thiết bị máy móc hiện đại, chế biến thành công một số sản phẩm từ hạt mắc ca như: hạt nguyên vỏ, nhân hạt và sữa hạt dinh dưỡng mắc ca mang thương hiệu Mắc ca Hạnh phúc. Năm 2024, chúng tôi đã thu mua trên 6 tấn mắc ca cho nông dân huyện Lục Yên và dự kiến năm 2025 sẽ thu mua trên 20 tấn cho nông dân trên địa bàn huyện Văn Chấn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và đầu tư thêm các công nghệ khác để sản xuất các sản phẩm mang giá trị kinh tế cao hơn, phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng, như: bánh kẹo nhân hạt mắc ca, thanh hạt dinh dưỡng, dầu mắc ca… hướng đến trở thành đơn vị thu mua, chế biến các sản phẩm hạt dinh dưỡng mắc ca chất lượng cao hàng đầu tại khu vực phía Bắc”.
Với sản lượng ngày một lớn, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng 1 nhà máy sơ chế mắc ca tách hạt với công suất 500 tấn/năm. Khi đó, cây mắc ca với giá trị cao chắc chắn sẽ trở thành cây trồng xoá nghèo và làm giàu cho nông dân Yên Bái.
Hoài Anh
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/12/348614/Trien-vong-moi-cho-cay-mac-ca-o-Yen-Bai.aspx