YênBái – Ngày 15/8, huyện Trấn Yên đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện Trấn Yên”.
Quang cảnh cuộc họp.
|
Trải qua hơn 20 năm, đến nay toàn huyện Trấn Yên đã quy hoạch, vùng trồng dâu nuôi tằm gần 900 ha gắn với các chuỗi giá trị, chiếm trên 72% diện tích dâu toàn tỉnh, tập trung chủ yếu tại các xã: Tân Đồng, Báo Đáp, Đào Thịnh, Việt Thành, Y Can và Quy Mông… sản lượng kén năm 2023 ước đạt trên 1.400 tấn, giá trị trên 250 tỷ đồng. Thu nhập bình quân từ trồng dâu nuôi tằm đạt từ 250- 270 triệu đồng/ha/năm.
Toàn huyện có trên 1.500 hộ trồng dâu nuôi tằm, thành lập được 111 tổ hợp tác, 13 hợp tác xã dịch vụ dâu tằm, thực hiện việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho trên 70% số hộ trồng dâu và thu gom sản lượng kén cung cấp cho nhà máy sản xuất ươm tơ của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái.
Các đại biểu tham gia Hội thảo thăm quan cánh đồng dâu Việt Thành
Trên cơ sở các ý kiến tham vấn của các chuyên gia lĩnh vực dâu tằm tơ, ý kiến thảo luận của các đại biểu, huyện Trấn Yên xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phấn đấu đến năm 2025, phát triển vùng trồng dâu với quy mô đạt trên 1.000 ha, đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật tiến bộ để nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng lá dâu và kén tằm, phấn đấu sản lượng kén đạt trên 2.000 tấn, giá trị trên 300 tỷ đồng.
Sản phẩm tơ tằm của Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái được xuất khẩu ra thị trường thế giới
Để đạt được mục tiêu đó, Trấn Yên sẽ rà soát và lựa chọn giống, đầu tư kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, sản lượng lá dâu, mở rộng vùng nguyên liệu, cũng như trồng thay thể đối với diện tích dâu già cỗi, kém hiệu quả.
Cùng với đó áp dụng chặt chẽ, nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, các tiến bộ kỹ thuật mới trong nuôi tằm; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo các chuỗi giá trị, phấn đấu trên 90% các hộ trồng dâu nuôi tằm tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ kén tằm, xây dựng chuỗi giá trị dâu tằm bền vững.
Quan tâm thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dâu tằm tơ, chế biến sâu các sản phẩm dâu, tơ tằm; phấn đấu đến năm 2030 có sản phẩm tơ lụa sản xuất trên địa bàn, cung cấp ra thị trường. Triển khai thực hiện phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái tại các địa phương có điều kiện, thuận lợi phát triển du lịch. Trước mắt, chỉ đạo các địa phương hoàn thành kế hoạch thực hiện chương trình dâu tằm năm 2023; chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Thủy Thanh – Thanh Hùng – Lộc Chầm