Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái có đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các Sở: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Lao động – Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông; Bảo hiểm xã hội tỉnh.
Theo báo cáo tổng kết công tác y tế năm 2024 của Bộ Y tế, từ đầu năm 2024, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửi đổi, bổ sung của một số điều cảu Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế…. Đồng thời tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở; các dịch bệnh truyền nhiễm cơ bản được kiểm soát, không xuất hiện các chùm ca bệnh, ổ dịch lớn trong cộng đồng, đặc biệt đã xử lý kịp thời các ca bệnh, vệ sinh môi trường trong và sau cơn bão số 3.
Công tác phòng, chống HIV/AIDS, các bệnh không lây nhiễm, quản ký nhà nước về an toàn thực phẩm được tăng cường; tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án về công tác dân số…. góp phần kéo dài và tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số.
Các dịch vụ khám chữa bệnh tiếp tục được nâng cao chất lượng, hiệu quả với tinh thần lấy người bệnh làm trung tâm, nâng cao sự hài lòng của người bệnh. Đẩy mạnh mạng lưới bệnh viện vệ tinh, phòng khám y học gia đình; mở rộng hoạt động khám chữa bệnh từ xa, tăng cường chỉ đạo, chuyển giao kỹ thuật, kịp thời hỗ trợ cho tuyến dưới, các địa phương. Các cơ sở y tế tư nhân phát triển cả về số lượng và quy mô. Tính đến tháng 10/2024, cả nước có 1.645 bệnh viện, trong đó có 384 bệnh viện ngoài công lập, hàng năm khám cho hơn 170 triệu lượt ngoại trú và điều trị nội trú cho hơn 17 triệu lượt người.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại; quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện bước đầu đổi mới đào tạo nguồn nhân lực y tế; tăng cường quản lý, cấp phép gia hạn, bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vắc xin, vật tư, thiết bị y tế có chất lượng, an toàn, hiệu quả, giá hợp lý…
Tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã thảo luận làm rõ kết quả đạt được trong công tác y tế năm 2024, khó khăn tồn tại và đề xuất giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác y tế trong năm 2025.
Cũng tại Hội nghị, đã công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 205 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 27/02/2024. Theo Quy hoạch, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 33 giường bệnh trên 10.000 dân, 15 bác sĩ trên 10.000 dân, 3,4 dược sĩ trên 10.000 dân và 25 điều dưỡng trên 10.000 dân; đến năm 2030 đạt 35 giường bệnh trên 10.000 dân, 19 bác sĩ trên 10.000 dân, 4,0 dược sĩ trên 10.000 dân, 33 điều dưỡng trên 10.000 dân, tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15% tổng số giường bệnh.
Tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương đủ năng lực đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân tương đương với nước phát triển, thu nhập cao. Tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô của các cơ sở y tế, mở rộng mạng lưới bệnh viện chuyên khoa ung bướu, tim mạch, sản/sản nhi, lão khoa, phục hồi chức năng, y học cổ truyền, truyền nhiễm, sức khỏe tâm thần. Hình thành một số cơ sở y tế hiện đại ngang tầm quốc tế. Xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao. Phấn đấu đạt 45 giường bệnh trên 10.000 dân, 35 bác sĩ trên 10.000 dân, 4,5 dược sĩ trên 10.000 dân, 90 điều dưỡng trên 10.000 dân; tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 25% tổng số giường bệnh.
Trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho Bộ Y tế và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ghị nhận, đánh giá cao kết quả ngành Y tế đạt được trong năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế; đồng thời đề nghị trong thời gian tới ngành Y tế tập trung xây dựng thể chế, hoạch định chính sách phát triển ngành đóng góp vào sự phát triển của đất nước; tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy; tập trung triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ động hơn về chuyên môn, tham mưu, định hướng nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, bệnh; dành nguồn lực cho y tế dự phòng, đổi mới nâng cao hiệu quả y tế cơ sở; đẩy mạnh chuyển đổi số ngành y tế; đảm bảo mức sinh thay thế, có biện pháp kiểm soát phù hợp; xử lý dứt điểm hồ sơ bị chậm như: cấp phép lưu hành thuốc, cấp phép hành nghề…
Nguồn: https://yenbai.gov.vn/noidung/tintuc/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=35713&l=Tintrongtinh