YênBái – Trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, tỉnh Yên Bái đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Các giải pháp đã được thực hiện một cách toàn diện, mang lại những kết quả đáng khích lệ.
Sản xuất hạt nhựa phụ gia tại Công ty cổ phần An Tiến Industries, Khu Công nghiệp phía Nam.
|
>> Yên Bái chỉ đạo tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, tập trung bố trí tái định cư cho người dân sau bão
>> Yên Bái gỡ khó trong sử dụng vốn đầu tư công
Ông Đoàn Hữu Phung – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Là tỉnh miền núi với nguồn ngân sách hạn chế, Yên Bái xác định việc thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội. Do đó, Yên Bái xác định 1 trong 3 đột phá chiến lược là “tập trung cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh số hóa trong quản lý xã hội và phục vụ nhân dân”, trọng tâm thực hiện nhiệm vụ tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển xanh, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tích cực, chủ động thu hút đầu tư theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường”.
Xác định cải cách hành chính toàn diện làm chìa khóa mở cửa và giữ chân nhà đầu tư, Yên Bái đã đẩy mạnh rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai, thuế, lao động, thị trường, hoạt động xuất nhập khẩu… nhằm giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Nỗ lực này đã mang lại kết quả tích cực.
Theo báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của Yên Bái đạt 65,99 điểm, tăng 12 bậc so với năm 2022. Các chỉ số về đào tạo lao động và chi phí không chính thức có nhiều cải thiện đáng kể. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho chi phí không chính thức đã giảm xuống còn 3%. Năm 2024, Yên Bái đẩy nhanh cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 264 dịch vụ toàn trình và 280 dịch vụ một phần.
Việc đồng bộ hóa dữ liệu và tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia đã nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý. Hệ thống “Công dân, doanh nghiệp hỏi – cơ quan nhà nước trả lời” trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh nhận được đánh giá cao từ cộng đồng doanh nghiệp, với các thắc mắc được xử lý nhanh chóng và công khai. Các hoạt động như “Cà phê doanh nhân” hay “Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp” đã giúp kết nối chặt chẽ giữa lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp.
Tính đến cuối năm 2024, hơn 50 kiến nghị đã được tiếp nhận và giải quyết, tập trung vào các vấn đề thuế, đất đai và hỗ trợ nông nghiệp. Tỉnh cũng hỗ trợ đổi mới công nghệ, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh. Nhờ cải thiện môi trường kinh doanh, Yên Bái đang trên đà khẳng định mình là điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bên cạnh thu hút đầu tư, Yên Bái tập trung phát triển kinh tế xanh thông qua việc phát triển các vùng rừng nguyên liệu bền vững, chuỗi giá trị nông nghiệp hữu cơ và du lịch sinh thái tại hồ Thác Bà. Đến nay, tỉnh xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh với quy mô lớn và chất lượng cao như: vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung 4.800 ha, vùng trồng dâu 1.255 ha, vùng cây ăn quả 5.000 ha… Đây được xem là chìa khóa cho phát triển dài hạn của tỉnh. Với nhiều nỗ lực, Yên Bái đã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, việc nâng cao tính minh bạch và đồng bộ hạ tầng vẫn là thách thức cần tiếp tục giải quyết.
Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai toàn diện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tăng cường thu hút đầu tư vào hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và chuỗi công nghiệp chế biến; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị sản xuất và mở rộng thị trường; đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển.
Những nỗ lực toàn diện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Yên Bái không chỉ tạo đà cho phát triển kinh tế mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, khẳng định vị thế là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2024, Yên Bái đã thu hút 638 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 103.000 tỷ đồng và 420 triệu USD. Yên Bái cũng đặc biệt chú trọng thu hút các dự án FDI vào các lĩnh vực như sản xuất vật liệu mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Điển hình là Tập đoàn EREX (Nhật Bản) đã và đang đầu tư triển khai thực hiện 2 dự án xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh khối và nhà máy điện sinh khối với tổng vốn đăng ký 138,4 triệu USD, góp phần thúc đẩy các giải pháp năng lượng bền vững và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. |
Văn Thông
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/12/344709/Tiep-tuc-cai-thien-moi-truong-dau-tu.aspx