YênBái – Cứ mỗi dịp tết Trung thu đến, không kể những người con xa quê, xa bố mẹ mà cả những người ở gần cũng đều muốn được sum họp cùng người thân. Một đêm trăng tròn thanh mát, tiếng cười reo trẻ thơ rộn vui trong tiếng trống múa lân, các con các cháu vui vầy cùng ông bà, bố mẹ, anh em thưởng thức vị bánh nướng, bánh dẻo…
Cửa hàng của chị Hoàng Thị Sơn chỉ bán bánh Trung thu của các hãng, cơ sở sản xuất uy tín trong nước.
|
Đã 15 năm nay, kể từ khi bán hàng tạp hóa, chị Hoàng Thị Sơn – Chủ cửa hàng Đức Sơn ở khu vực chợ Đồng Tâm, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái cũng luôn bán bánh Trung thu mỗi dịp tết Trung thu về. Trước thì cứ gần tết mới bán, nay thì từ rằm tháng 6 đã có bánh để bán. Các hãng, cơ sở sản xuất thay đổi cách bán truyền thống từ nhu cầu của người tiêu dùng muốn có bánh ăn dần tới rằm Trung thu chứ không chỉ tập trung vào đầu tháng 8.
Năm nay, như chị Sơn cho biết, một số hãng đã có sản phẩm bánh Trung thu phục vụ khách hàng từ rằm tháng 6 như Kinh Đô, Bibica, Orion… Các loại bánh đều tăng giá 1.000 – 2.000 đồng/chiếc, trung bình khoảng 60.000 đồng/chiếc, độ ngọt giảm hơn so với năm ngoái. Các loại bánh bày bán ở cửa hàng của chị đều là của các cơ sở sản xuất trong nước, tuyệt nhiên không hề có bánh Trung Quốc.
Chị Sơn cho biết: “Đã nhiều năm bán bánh Trung thu, tôi giữ nguyên quan điểm là chỉ nhập, chỉ bán hàng của các cơ sở trong nước sản xuất, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Cũng có không ít mối liên hệ để bán bánh của Trung Quốc sản xuất nhưng tôi đều từ chối dù lợi nhuận khá cao. Luôn muốn khách hàng mua được những sản phẩm có chất lượng tốt nên tôi tự giữ uy tín theo cách này. Hơn nữa, đó cũng là cách thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển”.
Đã thành nếp mỗi dịp Trung thu về, chị Nguyễn Thị Hải Yến ở tổ dân phố 1, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên đều mua bánh biếu bố mẹ, người thân và mua cho nhà ăn. Chồng và các con chị đều ưa ngọt, thích bánh Trung thu nên cứ có bán là chị mua về cho mọi người ăn dần cho đến dịp rằm. Khi mua bánh, chị lựa chọn sản phẩm của các hãng bánh trong nước sản xuất, đặc biệt là bánh nướng nhân truyền thống của Công ty cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị (Hữu Nghị Food).
Chị Yến chia sẻ: “Không biết có phải do mình nhớ mãi về hương vị thơm ngon ngày xưa của mứt tết Hữu Nghị mà cứ chỉ chọn bánh của hãng này. Bố mẹ, họ hàng đôi bên nội ngoại cũng đều ưa vị truyền thống nên tôi cũng không thay đổi lựa chọn lâu nay”.
Mỗi hộp bánh biếu bố mẹ, người thân, chị Yến cho rằng là cách thể hiện tình cảm, quan tâm dù bây giờ không còn thiếu thốn như ngày nào. Giữa vô số các loại bánh Trung thu bày bán, chưa nói đến các loại bán trên mạng xã hội, người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn bánh Việt Nam, vừa gần gũi vừa hợp vị.
Đặc biệt, càng ngày các hãng bánh trong nước đều tích cực thay đổi mẫu mã đẹp hơn, có nhiều hơn lựa chọn cho khách hàng với phong phú, đa dạng về loại nhân, về sở thích, về mức giá… Một số bạn trẻ yêu thích công việc nội trợ cũng nhân dịp này làm thêm sản phẩm bánh Trung thu handmade để vừa thỏa mãn sở thích vừa có thêm chút thu nhập.
Bạn trẻ Trần Thị Phương Thanh ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái bày tỏ: “Em và bạn bè rất thích được thưởng thức nhiều loại bánh Trung thu với nhiều hương vị khác nhau, từ truyền thống đến hiện đại. Thị trường bánh thì thật muôn hình muôn vẻ nhưng chúng em đều chọn các sản phẩm trong nước sản xuất để thể hiện tinh thần tự hào hàng Việt”.
Tết Trung thu là thêm một dịp trong năm để mọi người sum họp gia đình đông vui, để gần nhau hơn trong cuộc sống bận rộn. Bánh Trung thu, hương vị của tết đoàn viên cũng thể hiện tinh thần yêu nước, tự hào hàng Việt, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của mỗi người.
Nguyễn Thơm