Bức tranh “Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập” cùng hai hiện vật khác của họa sĩ Văn Giáo được tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh, sáng 23/8.
Bức “Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập” hoàn thành năm 1974, chất liệu sơn dầu của họa sĩ Văn Giáo. Ảnh: Sơn Hà
|
Bức tranh “Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập” hoàn thành năm 1974, chất liệu sơn dầu, kích thước 110 x 81 cm do ông Đoàn Văn Đức, Phó chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội hiến tặng.
Ngoài ra, hai hiện vật khác được con trai họa sĩ Văn Giáo là họa sĩ Nguyễn Văn Đức thay mặt gia đình hiến tặng. Đó là phác thảo đầu tiên của bức “Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập”, thực hiện năm 1971, chất liệu màu nước, kích thước 34 x 26 cm và tác phẩm “Giải đi sớm” năm 1977, chất liệu bột màu khô, kích thước 51 x 65 cm.
Họa sĩ Văn Giáo (1916 – 1996) thuộc thế hệ đầu của nền hội họa cách mạng Việt Nam, được đánh giá có phương pháp trực họa giàu cảm xúc. Cố họa sĩ đã trực tiếp đến sống và vẽ ở những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc như Nghệ An, Cao Bằng và cho ra đời nhiều tác phẩm về đề tài này.
Chia sẻ với VnExpress, họa sĩ Nguyễn Văn Đức nói cha ông vẽ bức tranh đặc tả Chủ tịch Hồ Chí Minh đang viết Tuyên ngôn độc lập tại tầng hai của ngôi nhà 48 Hàng Ngang (Hà Nội), với vầng trán rộng, đôi mắt suy tư, phong thái giản dị. Đối với bức “Giải đi sớm”, họa sĩ Văn Giáo lấy cảm hứng sáng tác từ bài thơ cùng tên trong tập thơ “Nhật ký trong tù”. Cảnh tượng khắc họa Chủ tịch Hồ Chí Minh bị quân đội Tưởng Giới Thạch giải đi khắp các nhà giam ở 13 huyện của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam và Phó giáo sư Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đánh giá bức tranh “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” có bút pháp giản dị, lối diễn tả khái quát, màu sắc nhã nhặn. Tranh tái hiện hình ảnh mộc mạc nhưng trang nghiêm của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở một trong những giai đoạn lịch sử quan trọng của Cách mạng Việt Nam. Ngoài giá trị về lịch sử, nghệ thuật, tác phẩm hội họa này rất có giá trị trên thị trường tranh trong nước.
Tác phẩm Giải đi sớm năm 1977, chất liệu bột màu khô.
“Đa phần tác phẩm của cha tôi sử dụng bột màu, nên dễ bị thời tiết làm hư hỏng. Việc bảo quản theo hướng dẫn của cha nên một số tác phẩm có tuổi đời 50-70 năm vẫn nguyên vẹn”, họa sĩ Nguyễn Văn Đức nói, cho biết ý nguyện của gia đình cũng như của cố họa sĩ là đưa các tác phẩm về Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ, trưng bày để người dân và khách tham quan hiểu hơn cuộc đời của lãnh tụ.
(Theo VnExpress)