Chỉ số sản xuất công nghiệp khả quan
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Yên Bái, kết thúc năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Yên Bái tăng 9,23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,71%, đóng góp 7,79 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 23,07%, đóng góp 3,86 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 6,42%, đóng góp 0,11 điểm phần trăm…
Trong 18 ngành công nghiệp cấp 2, tỉnh Yên Bái có 8/18 ngành có chỉ số sản xuất cộng dồn đến cuối tháng 12/2024 tăng so với cùng kỳ, như: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 5,96%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 7,81%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 51,37%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 8,22%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 38,5%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng hơi nước và điều hòa không khí tăng 23,07%…
Tuy nhiên, một số ngành công nghiệp của tỉnh Yên Bái lại có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, khai thác quặng kim loại có mức giảm nhiều nhất lên đến 40,48%. Sau đó là sản xuất kim loại giảm 21,11%, chế biến thực phẩm giảm 17,62%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 16,97%, khai khoáng khác giảm 13,52%…
Chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Yên Bái tăng 9,23% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tuấn |
Một số sản phẩm công nghiệp chính có chỉ số sản xuất cộng dồn đến cuối tháng 12/2024 tăng cao so với cùng kỳ như: Bộ complete, quần áo đồng bộ, áo jacket tăng 1,27 lần; gỗ cưa hoặc xẻ tăng 1,83 lần; vỏ bào, dăm gỗ tăng 67,46%; gỗ dán tăng 25,94%; tủ bếp bằng gỗ tăng 62,79%; điện sản xuất tăng 27,01%…
Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm mạnh so với cùng kỳ như: Quặng sắt và tinh quặng sắt chưa nung kết giảm 39,99%; quặng chì và tinh quặng chì giảm 71,07%; đá phiến giảm 18,28%; tinh bột sắn giảm 20,74%; chè giảm 19,68%; quần áo lót giảm 48,79%; bộ quần áo các loại giảm 20,07%; ván ép giảm 57,06%…
Phát triển công nghiệp theo hướng bền vững
Ông Trịnh Văn Thành – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết, để thúc đẩy sản xuất công nghiệp trong thời gian tới, UBND tỉnh Yên Bái đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, tỉnh Yên Bái tiếp tục quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh đầu tư công, tập trung hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sản xuất công nghiệp, dự án thủy điện, dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Theo quy hoạch của tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Yên Bái dự kiến đến năm 2030 sẽ quy hoạch thêm 5 khu công nghiệp đa ngành nghề gồm: Trấn Yên, Thịnh Hưng Y Can, Đông An, và Lục Yên với tổng diện tích 1.364,0 ha. |
Đồng thời, nắm bắt tình hình các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp tỉnh Yên Bái. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa để tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.
Ông Trịnh Văn Thành – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái đánh giá, năm 2025, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục ghi nhận nhiều khó khăn, thách thức. Các yếu tố biến động về địa chính trị và kinh tế toàn cầu và hệ quả tác động là những thách thức chính trong năm 2025. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng, thuận lợi sẽ tác động đến tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh Yên Bái.
Cụ thể đó là những tác động từ chính sách tái cơ cấu nền kinh tế và sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc tái cơ cấu bộ máy tính gọn, hiệu lực, hiệu quả, tạo nền tảng cho một giai đoạn phát triển mới.
“Với giá trị sản xuất công nghiệp đạt 18.400 tỷ đồng (so sánh 2010) trong năm 2024 cũng sẽ tạo đà cho kế hoạch tăng tốc trong năm 2025 để thực hiện mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX và quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, ông Trịnh Văn Thành – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái khẳng định.
Năm 2025, tỉnh Yên Bái phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp đạt trên 9%. Ảnh: Thanh Hà |
Ông Trịnh Văn Thành – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết, theo quy hoạch, ngành Công Thương tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp với lộ trình tăng trưởng ngành công nghiệp theo chiều sâu, giảm tỷ trọng ngành khai thác, tăng tỷ trọng ngành chế biến. Tập trung nâng cao giá trị các sản phẩm truyền thống như chè, tinh bột sắn, chế biến gỗ, tinh dầu quế…
Đồng thời, giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng, khuyến khích và ưu tiên các dự án đầu tư khai thác chế biến sâu. Khuyến khích phát triển một số sản phẩm vật liệu xây dựng mới phù hợp với điều kiện của tỉnh và nhu cầu của thị trường…
Ngoài ra, với hệ thống các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, lưới điện, hệ thống logistics và các hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp tiếp tục được củng cố theo quy hoạch cũng là điều kiện quan trọng để ngành công nghiệp tỉnh Yên Bái tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
“Đây là những thuận lợi cơ bản để tỉnh Yên Bái tiếp tục phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Do đó, năm 2025, tỉnh Yên Bái phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp đạt trên 9%, trong đó ngành phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 20.000 tỷ đồng”, ông Trịnh Văn Thành – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho hay.
Kết thúc năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Yên Bái tăng 9,23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,71%, đóng góp 7,79 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 23,07%, đóng góp 3,86 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 6,42%, đóng góp 0,11 điểm phần trăm… |