YênBái – Trong 2 ngày 13-14/11/2024, tỉnh Yên Bái long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Yên Bái lần thứ IV – năm 2024. Nhân dịp này, Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Trần Huy Tuấn – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về thực hiện công tác dân tộc, đầu tư phát triển vùng DTTS và phát huy vai trò của đồng bào các DTTS trong thời gian qua của tỉnh Yên Bái.
Đồng chí Trần Huy Tuấn – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: Đức Toàn)
|
>>Yên Bái tạo chuyển biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
>>Yên Bái giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo
>>Yên Bái phát huy hiệu quả chính sách dân tộc
Yên Bái xác định công tác dân tộc, đầu tư phát triển vùng DTTS và phát huy vai trò của đồng bào các DTTS là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, quan trọng, có ý nghĩa to lớn, không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm, khát vọng của cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã nghiêm túc, kịp thời quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc đảm bảo phù hợp tình hình thực tiễn địa phương; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành đồng bộ, toàn diện hơn 200 nghị quyết, chỉ thị, đề án bao trùm trên tất cả các lĩnh vực, xác định đầy đủ quan điểm, định hướng phát triển, các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và nguồn lực thực hiện. Nổi bật là các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ người có công trên địa bàn; chính sách thu hút nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; chính sách hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế đối với người dân thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và nhiều chính sách, đề án khác trên tất cả các lĩnh vực đã tăng cường nguồn lực, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên của đồng bào, qua đó mở đường, tạo đà để Yên Bái đạt được những thành tựu to lớn trên hành trình hiện thực hóa khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Yên Bái đã chú trọng đổi mới nội dung tuyên truyền, phương thức vận động, tập hợp đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng bào DTTS toàn tỉnh đã phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, chung sức đồng lòng cùng cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức, có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế – xã hội. Nổi bật là:
Kinh tế duy trì đà tăng trưởng. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt khá; bình quân 3 năm (2021 – 2023) đạt 7,24%, xếp thứ 5/14 tỉnh trong vùng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS được quan tâm đầu tư; xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, tiếp tục là điểm sáng trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Đến nay, toàn tỉnh có 110/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 73,3% tổng số xã toàn tỉnh; có 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4/9 đơn vị hành chính cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, đã có 13 xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới.
Cơ sở hạ tầng vùng DTTS và miền núi tiếp tục được cải thiện. Tổng vốn huy động trong 3 năm (2021 – 2023) là 27.000 tỷ đồng. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 95,5%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp đạt 97,6%; tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 94%; tỷ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh đạt 99,4%. Yên Bái hiện có 96,8% số thôn có nhà văn hóa. Tỉnh đã quan tâm bố trí trên 25.000 tỷ đồng đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội vùng cao, vùng đồng bào DTTS.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. Công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng. Toàn tỉnh hiện có 139 di tích lịch sử – văn hóa được xếp hạng các cấp; 510 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS, trong đó “Nghệ thuật Xòe Thái” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 09 di sản văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Giáo dục đào tạo, y tế, công tác chăm lo đời sống nhân dân, thực hiện an sinh và phúc lợi xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, các vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết kịp thời. Các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) được triển khai bài bản, hiệu quả, đặc biệt là chương trình giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021 – 2024 giảm bình quân 3,65%/năm, cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 9,16%.
Tỷ lệ hộ nghèo DTTS so với tổng số hộ DTTS còn 16,4% cuối năm 2023 (giảm bình quân 6,98%/năm). Từ năm 2019 – 2024, đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa 8.617 nhà cho hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ, đối tượng bảo trợ xã hội.
Hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS được tăng cường, đội ngũ cán bộ được kiện toàn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ. Tỉnh đã ban hành và triển khai có hiệu quả đề án xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Đặc biệt, từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân, điển hình tiên tiến, người có uy tín trong đồng bào DTTS có nhiều đóng góp cho địa phương trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, như: đóng góp nguồn lực (hiến đất, tài sản trên đất, ngày công) phục vụ công cuộc xây dựng nông thôn mới; sản xuất, kinh doanh giỏi mang lại thu nhập cao, tạo việc làm cho người dân tại địa phương; “dân vận khéo”, tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình, làng, thôn, bản văn hóa, hạnh phúc… góp phần vào thành tựu của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển tỉnh Yên Bái thời gian qua.
Tuy nhiên, do đặc thù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, bên cạnh kết quả đạt được, đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS vẫn còn khó khăn. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường. Việc triển khai một số chương trình, chính sách, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS có nơi còn chậm; chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS còn chưa đồng đều…
Đồng bào dân tộc Dao huyện Văn Yên phát triển cây quế cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Thu Trang)
Những tồn tại, hạn chế này có nguyên nhân khách quan song nguyên nhân chủ quan vẫn là cơ bản, đòi hỏi có các giải pháp khả thi để khắc phục triệt để với lộ trình cụ thể, không để những hạn chế này trở thành “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển. Theo đó, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; trên cơ sở đó, cụ thể hóa, lồng ghép vào chương trình, kế hoạch hành động của các cấp, các ngành, các địa phương nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác dân tộc, nhất là ở vùng đồng bào DTTS trong tình hình mới.
Hai là, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là đối với các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Triển khai sâu rộng, hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động gắn với nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, trước hết là đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Ba là, huy động mọi nguồn lực; tiếp tục lồng ghép, triển khai có hiệu quả 3 Chương trình MTQG. Thực hiện quyết liệt công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đảm bảo hiệu quả, thực chất và bền vững. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí ổn định dân cư; nâng cao kiến thức, kỹ năng phát triển sản xuất, phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện môi trường gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho đồng bào.
Bốn là, nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa – xã hội, chăm lo an sinh, phúc lợi xã hội. Chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh vùng đồng bào DTTS; quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thực hiện phương châm “biến di sản thành tài sản” phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và nhất là phát triển du lịch trên địa bàn…
Năm là, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và đội ngũ cán bộ người DTTS. Chú trọng công tác phát triển đảng viên; đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ người DTTS. Bảo đảm quốc phòng – an ninh, đề cao cảnh giác và ngăn chặn, xử lý, giải quyết kịp thời những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động đồng bào, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.
Tôi tin tưởng, đồng bào các DTTS của tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, ý chí tự lực, tự cường để thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế bền vững; giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống theo phương châm “biến di sản thành tài sản” phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và phát triển du lịch. Tích cực tham gia, lan tỏa mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động với những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tiễn địa phương. Phát huy hơn nữa vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc nâng cao nhận thức thoát nghèo, ý thức lao động vươn lên của đồng bào DTTS; chung sức đồng lòng xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
T.H.T
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/11/341827/Phat-huy-vai-tro-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-chung-suc-dong-long-xay-dung-tinh-Yen-Bai-phat-trien-nhanh-ben-vung-theo-huong-Xanh-hai-hoa-ban-sac-va-hanh-phuc.aspx