Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thống nhất chủ trương phân loại xử lý để bảo vệ cán bộ cấp dưới khi phải thực hiện mệnh lệnh trái pháp luật.
Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp báo thông báo kết quả phiên họp 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
|
Thông tin tại cuộc họp báo kết quả Phiên họp thứ 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, một điều rất mới, rất lớn trong tư tưởng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở phiên họp 24 đó là chủ trương phân loại, xử lý cán bộ sai phạm. Theo đó, chủ trương này được áp dụng cho 2 vụ án cụ thể: Việt Á và đăng kiểm.
Quan điểm thống nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đó là chỉ nghiêm trị những người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định của Đảng, Nhà nước đem lại lợi ích bất hợp pháp cho công ty Việt Á; và người chủ mưu, cầm đầu, người tích cực thực hiện vì động cơ vụ lợi đã chiếm hưởng số tiền lớn.
Còn nhóm “thứ yếu” phải thực hiện mệnh lệnh và đặc biệt không có động cơ vụ lợi, không được hưởng lợi, là những người ở tuyến đầu chống dịch, sẽ được tha hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và không phải chịu trách nhiệm dân sự.
Theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, chủ trương này đã giành được sự ủng hộ, đồng tình, thống nhất cao trong các thành viên của Ban Chỉ đạo.
“Nhiều thành viên Ban Chỉ đạo tâm đắc và cho rằng, chủ trương phân loại, xử lý của Ban Chỉ đạo là hết sức cần thiết, vừa nhân văn, nhân ái, nhân tình, nhưng rõ đối tượng, đối tượng nào cần xử lý nghiêm, đối tượng nào phải có chính sách hình sự. Các thành viên cũng đề nghị tiếp tục phát huy ưu điểm, giá trị của các chủ trương này để mở rộng đến các vụ án khác”, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết.
Từng công tác trong lĩnh vực tòa án, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, ông đồng tình và ủng hộ chủ trương này.
– Từng hoạt động trong lĩnh vực tòa án, ông đánh giá thế nào về chủ trương trên?
Chủ trương này không mới, tinh thần của chủ trương này đã được quy định tại điều 26 BLHS: “Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Như đã nói, đây không phải là chủ trương mới, mà vấn đề là lâu nay chúng ta chưa mạnh dạn áp dụng pháp luật để xử lý cho số anh em cấp dưới thực hiện mệnh lệnh hành chính của cấp có thẩm quyền.
Việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa ra chủ trương đó là rất đáng hoan nghênh để bảo vệ chính đội ngũ cán bộ cấp dưới khi phải thực hiện một mệnh lệnh trái pháp luật mà người ta không có cơ chế để chống lại nếu không muốn bị kỷ luật, đuổi việc.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải xem xét rõ nguyên nhân và điều kiện phạm tội, vai trò của họ trong vụ án, mạnh dạn áp dụng những quy định của BLHS để có thể miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ. Đây cũng là cơ chế để có thể bảo vệ những người trung thực, thẳng thắn.
Theo tôi, thực tiễn hiện nay, người ra mệnh lệnh hành chính kiểu không để lại dấu vết cần phải xoáy sâu, xử lý.
Câu chuyện ở đây là thực trạng mất dân chủ trong thực hiện công vụ, biểu hiện ở việc người ta ra mệnh lệnh cho cấp dưới là mệnh lệnh miệng, không để lại dấu tích. Người bị ra mệnh lệnh, được cấp trên giao mệnh lệnh mà không làm sẽ phải chịu nhiều áp lực.
Ví dụ, thủ trưởng đơn vị yêu cầu bỏ ra 50 triệu để lo lót việc cơ quan, còn thủ tục thanh quyết toán thì bộ phận kế toán phải tự lo. Như vậy ở đây, người ra mệnh lệnh miệng, không để lại dấu vết, đến khi cơ quan pháp luật vào cuộc, chứng cứ lại tập trung ở người thực hiện mệnh lệnh.
Nguyên nhân và điều kiện dẫn tới sự phạm tội mà cấp dưới phải thực hiện mệnh lệnh cấp trên chủ yếu bắt đầu từ người ra mệnh lệnh không thực hiện đúng pháp luật, theo đúng chức năng nhiệm vụ của mình, theo đúng trình tự thủ tục, đặc biệt trong chi tiêu tài chính cho nên dẫn tới câu chuyện anh em cấp dưới thực hiện mệnh lệnh tình ngay lý gian. Theo quy định của pháp luật, thì những người thực hiện mệnh lệnh đó vi phạm pháp luật.
– Đây là lần đầu tiên chủ trương phân loại xử lý được áp dụng cho 2 vụ án cụ thể, là đại án Việt Á và đăng kiểm, đây cũng là 2 vụ án có số lượng người bị bắt giữ, khởi tố, truy tố khá lớn?
Số lượng người bị bắt giữ, khởi tố, truy tố khá lớn đã cho thấy số người bị vướng vào vòng lao lý do thủ trưởng vi phạm. Đây là một thực tiễn pháp luật để cấp có thẩm quyền đưa ra chủ trương cho đúng thực trạng. Nếu không, một loạt cán bộ cấp dưới không thực hiện mệnh lệnh thì bị đánh giá, xếp loại kém, bị mất chức mà thực hiện thì trở thành bị cáo. Tôi cho rằng cần phân loại để xử lý là đúng.
– Thời gian qua chúng ta có nói nhiều đến tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai không dám làm, theo ông, chủ trương này sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên?
Chủ trương này chỉ phần nào hạn chế được thôi. Còn thực tế, không hẳn vì cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai không dám làm, mà nhiều trường hợp người ta nghĩ làm phải được gì, được lợi gì, không thì không làm. Vấn đề theo tôi nằm ở đó, chứ không hẳn người ta sợ pháp luật.
Nếu nói cán bộ vì không nắm được luật mà sợ sai không làm cũng không đúng. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức rất nhiều khóa, chương trình đào tạo, ở địa phương nào cũng có trường chính trị, cán bộ cũng phải qua quá trình đào tạo với rất nhiều loại bằng cấp mới được bổ nhiệm, mà không nắm được luật là vô lý. Cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai cũng có nhưng nguyên nhân chính là họ không thấy có lợi cho mình thì họ không làm.
Câu chuyện ở đây là ý thức chính trị của cán bộ, người vì dân vì nước, thấu hiểu được cái khổ của dân của nước người ta vô tư làm, đâu có ngại.
– Chủ trương đã có, nhưng làm sao để chủ trương nhân văn đó không bị lạm dụng, lợi dụng?
Để chủ trương đi vào cuộc sống, yếu tố quyết định là con người. Người đứng đầu phải công tâm, làm việc đúng pháp luật. Nhưng như tôi đã nói, trong bối cảnh hiện nay, yếu tố này rất đáng buồn, nhiều cán bộ trung thực, thẳng thắn có lợi cho dân, cho nước nhưng lại không có lợi cho cấp trên sẽ bị loại ra khỏi “cuộc chơi”.
– Xin cảm ơn Thiếu tướng.
(Theo VTC)