YênBái – Sau gần 4 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng được hàng trăm sản phẩm OCOP đặc trưng. Những sản phẩm này không chỉ góp phần hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất mà còn từng bước nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Cơ sở sản xuất thịt trâu sấy của gia đình chị Lường Thị Hoàn – thôn Đêu 2, xã Nghĩa An.
|
>> Nghĩa Lộ phấn đấu có thêm 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP
>> Thị xã Nghĩa Lộ: Khi sản phẩm du lịch được gắn sao OCOP
Để xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP, 120 hộ trồng bưởi da xanh, nhãn và thanh long ruột đỏ của xã Nghĩa Lộ đã được cán bộ chuyên môn tư vấn, hỗ trợ sản xuất ra sản phẩm đáp ứng tiêu chí về an toàn cho người tiêu dùng và các yếu tố bảo đảm môi trường.
Đặc biệt, các hộ dân còn được tư vấn, hỗ trợ thiết kế bao bì, kiểu dáng, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác sản phẩm với thương hiệu riêng, bảo đảm đúng tiêu chuẩn. Với sự hỗ trợ đó, năm 2021, 2022, 2023 sản phẩm bưởi da xanh, nhãn và thanh long ruột đỏ của xã đã đạt các tiêu chí an toàn, được người tiêu dùng đánh giá cao và được UBND tỉnh Yên Bái cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Theo bà Vũ Thị Thanh – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộ, ngay sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, nhiều khách hàng đã biết đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, tin tưởng tiêu dùng. Nhờ vậy, xã cũng tự tin hơn trong việc hoạch định, đề ra các giải pháp, quy hoạch vùng phát triển, duy trì diện tích trồng bưởi da xanh, nhãn và thanh long ruột đỏ, nhờ đó sản lượng cây ăn quả của xã tăng đáng kể. Trong 10 tháng năm 2024 toàn xã có 396 ha thanh long ruột đỏ, nhãn và bưởi da xanh cho thu hoạch; sản lượng ước đạt 365 tấn/năm.
Cùng với sản phẩm cây ăn quả, thị xã Nghĩa Lộ cũng lựa chọn và xây dựng sản phẩm thịt lợn, thịt trâu hun khói đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Ngay sau khi các sản phẩm này được công nhận năm 2021, các hộ kinh doanh sản phẩm này đã thay đổi mẫu mã bao bì, đồng thời, xây dựng gian hàng giới thiệu sản phẩm, kết hợp với sử dụng TikTok, Facebook, Zalo, livetream bán hàng… để mở rộng thị trường, tăng doanh thu bán hàng.
Chị Lường Thị Hoàn – thôn Đêu 2, xã Nghĩa An phấn khởi cho biết: “Sản phẩm thịt lợn, thịt trâu hun khói của Nghĩa Lộ được công nhận đạt OCOP 3 sao, được nhiều người tiêu dùng biết đến. Nhờ vậy, các hộ dân nơi đây cũng mạnh dạn mở rộng quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong 10 tháng của năm nay, gia đình tôi đã sản xuất hơn 5 tấn thịt tươi, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 2-3 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng”.
Hiện nay, thị xã Nghĩa Lộ có 24 sản phẩm được công nhận OCOP, gồm: 3 sản phẩm 4 sao và 21 sản phẩm 3 sao. Ông Vũ Đức Trung – Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, thị xã đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường hướng dẫn, đôn đốc các chủ thể có sản phẩm tham gia đăng ký, hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng trình hội đồng các cấp thẩm định, phê duyệt. Bên cạnh đó, thị xã cũng tập trung hướng dẫn chủ thể xây dựng phương án kinh doanh, mô hình sản xuất và hỗ trợ chủ thể tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá, trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, ngày hội văn hóa, sự kiện của địa phương… Từ đó, giúp các đơn vị có sản phẩm OCOP tiêu thụ tốt, mang lại giá trị kinh tế cũng như thương hiệu riêng cho mỗi sản phẩm”.
Qua đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình OCOP của thị xã vẫn còn nhiều hạn chế do sản phẩm có tiềm năng nhưng chưa được quan tâm phát triển đúng mức. Ngoài ra, dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất nhưng thực tế, các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn vẫn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận vốn; khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào; tìm kiếm thị trường tiêu thụ; quảng bá và giới thiệu sản phẩm…
Do vậy, để tạo hiệu quả tốt nhất từ việc thực hiện chương trình OCOP, thời gian tới, thị xã Nghĩa Lộ xác định phát triển sản phẩm tiềm năng, chủ lực tại các xã, phường; tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân, nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm; hỗ trợ xây dựng website quảng bá sản phẩm, hướng dẫn người dân các phương thức chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm… tạo ra sản phẩm hàng hóa bảo đảm an toàn, đáp ứng đúng Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP.
Năm 2024, thị xã Nghĩa Lộ đã phát triển mới 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và tổ chức đánh giá lại 7 sản phẩm sau 3 năm cấp giấy chứng nhận. Thị xã đã chỉ đạo Phòng Kinh tế làm việc với các chủ thể của sản phẩm và cán bộ địa chính phụ trách các đơn vị có sản phẩm mới và sản phẩm đánh giá lại trong năm để hướng dẫn, trao đổi các nội dung cần thực hiện theo yêu cầu của chương trình và đề ra tiến độ, thời gian thực hiện các bước theo trình tự hướng dẫn để các chủ thể nắm bắt và chủ động thực hiện các nội dung. |
Hùng Cường
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/12/343117/OCOP-tang-thu-nhap-cho-nguoi-dan-Nghia-Lo.aspx