YênBái – Với nhiều địa phương của tỉnh Yên Bái, tre măng Bát Độ đã trở thành cây trồng chủ lực với sản phẩm măng tre xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản, đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, đến nay, những chiếc lá tre cũng đang trở thành mặt hàng xuất khẩu rất có giá trị, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân.
Lá tre được thương lái thu mua, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
|
Những ngày này tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên có lẽ là thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm bởi nhà nhà đều bận rộn thu hoạch, bán, mua, sơ chế măng. Người lớn thì tất bật với măng; trẻ con, người già lại luôn tay với những sọt lá tre to bản. Có lẽ, chưa bao giờ cây tre Bát Độ lại mang lại nhiều giá trị cho người dân đến thế.
>> Tre măng Bát độ được mùa, được giá, nông dân Trấn Yên phấn khởi
Tranh thủ thời tiết mát mẻ của buổi sáng mùa hè, cả gia đình anh Hoàng Văn Láng ở thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành cùng nhau đi thu hoạch măng và lá tre. Theo chân anh Láng lên đồi tre Bát Độ, tôi tận mắt chứng kiến những gốc tre lá xanh tốt cùng không khí khẩn trương, nhộn nhịp của các thành viên trong gia đình đang tất bật hái măng, luân phiên vận chuyển đến các điểm thu mua, sơ chế. Tụi trẻ nhỏ thì hồ hởi đi hái lá tre, kiếm tiền phụ giúp gia đình khi đang còn trong thời gian nghỉ hè. Những chiếc lá tre to bản vẫn còn ướt bởi sương mai được các con của anh Láng nhanh tay hái và xếp gọn gàng trong từng cái gùi.
Vừa nhẩm tính tiền cho mấy bao măng bán cho thương lái, anh Láng vừa phấn khởi tâm sự: “Nếu khai thác măng thì chỉ khoảng 3 tháng là hết vụ. Giờ tôi để lên cây rồi hái lá, việc làm quanh năm, cho hiệu quả kinh tế cao hơn, mỗi năm cho thu nhập gần trăm triệu đồng”.
Không chỉ gia đình anh Láng mà hầu hết các hộ trồng măng ở xã Kiên Thành cũng đang phấn khởi thu hoạch măng và lá tre. Ông Hà Văn Liên – ở thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành chia sẻ: “Chúng tôi đã thu hái lá tre để xuất khẩu được khoảng 2 năm nay. Hiện, lá tre tươi xuất khẩu được bán với giá gần 12.000 đồng một kg, lá khô bán giá gần 60.000 đồng. Hiện tại là mùa lá tre phát triển tốt nhất trong năm; trung bình mỗi ngày thu hái được từ 2 – 2,5 tấn lá. Lá tre được người tiêu dùng Đài Loan, Nhật Bản ưa chuộng dùng để gói bánh, gói thực phẩm hay trang trí thức ăn bởi lá có mùi thơm đặc trưng và để được lâu”.
Thời gian thu hái lá tre vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 11. Khi vào mùa mưa, cành lá vươn ra đâm chồi nảy lộc. Những phiến lá to gần như hai bàn tày người lớn xoè ra, có màu xanh đậm, được đánh giá đạt chất lượng tốt nhất. Để có sản phẩm lá tre đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, sau khi hái lá tre tươi về, người dân phải rửa sạch, nẹp thành nẹp dài cho đỡ cong vênh, rồi hong nắng. Sau đó cho vào lò sấy và lấy ra phân loại, bán cho các doanh nghiệp đầu mối để xuất khẩu.
Ông Hoàng Văn Luỹ – Bí thư Đảng uỷ xã Kiên Thành cho biết: “Theo thống kê, trung bình mỗi năm xã Kiên Thành thu được 950 tấn lá tre, cho thu nhập khoảng 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc hái lá tre đòi hỏi phải có kĩ thuật nên không phải hộ dân nào cũng có thể thực hiện được. Cùng với đó, tiềm năng từ việc xuất khẩu lá tre hiện vẫn chưa được khai thác tốt do người dân vẫn sấy lá bằng phương pháp thủ công, chưa biết áp dụng công nghệ vào sản xuất nên sản lượng lá thành phẩm còn thấp, thậm chí việc xuất khẩu lá tre còn khá mới mẻ.
Để phát huy hơn nữa giá trị của của cây tre, nhất là tại các vùng trồng măng thương phẩm của tỉnh nói chung và của xã Kiên Thành nói riêng, chúng tôi cũng mong muốn trong thời gian tới cần có các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ người dân trong khai thác lợi ích từ cây tre để nâng cao giá trị xuất khẩu từ mặt hàng này”.
Năm nay, nông dân Trấn Yên có niềm vui “kép”, hết được mùa kén tằm lại trúng” vụ măng. Giờ đến lá tre cũng thành mặt hàng xuất ra thị trường ngoài nước. Khẳng định vị thế cây trồng đa lợi ích, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
Thu Trang