YênBái – Mù Cang Chải chứa đựng nhiều giá trị văn hóa bản địa độc đáo, trong đó nghệ thuật khèn Mông là một biểu tượng nổi bật. Âm thanh của khèn Mông không chỉ phản ánh tâm hồn của đồng bào Mông mà còn mang theo những truyền thuyết, những câu chuyện văn hóa của núi rừng Tây Bắc.
Nghệ thuật khèn Mông – âm thanh của đại ngàn
|
>> Độc đáo khèn Mông
>> Di sản độc đáo của người Mông Yên Bái
>> Lễ công bố Quyết định 2 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của người Mông Yên Bái; Khai mạc Festival Khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ Dày
>> Người giữ hồn khèn Mông trên đỉnh Tà Chử
>> Mù Cang Chải sẵn sàng Festival Khèn Mông 2023
Khèn Mông là một nhạc cụ truyền thống, được làm chủ yếu từ tre và gỗ, thiết kế đơn giản nhưng âm thanh lại vô cùng phong phú. Theo truyền thuyết, khèn được coi là món quà từ thần linh, mang lại sự bình an và hạnh phúc cho người sử dụng. Khèn được chế tác từ 6 ống trúc gắn với 1 bầu gỗ, mỗi ống trúc có gắn 1 lưỡi gà bằng đồng tạo ra một âm thanh riêng biệt, hòa quyện lại thành những bản nhạc độc đáo. Người thợ phải lựa chọn nguyên liệu cẩn thận, từ khâu chọn trúc, gỗ đến việc điều chỉnh lưỡi gà tạo âm thanh sao cho phù hợp. Làm khèn đã trở thành một nghề truyền thống, được gìn giữ và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nghệ nhân Giàng Su Giàng ở bản Háng Phừ Loa, xã Mồ Dề đã có hơn 40 năm kinh nghiệm chế tác khèn và thực hành biểu diễn nghệ thuật khèn Mông. Ông chia sẻ: “Khèn Mông có nguồn gốc từ lâu đời, gắn liền với đời sống và tâm linh của người Mông.
Âm thanh của khèn không chỉ để vui chơi mà còn là những câu chuyện, truyền thuyết về tổ tiên, về đất trời. Khèn là cầu nối giữa trần gian và thần linh, giữa con người với thiên nhiên. Quá trình chế tác khèn rất công phu. Tôi thường chọn những cây trúc già có độ lớn nhỏ khác nhau và bầu gỗ tương ứng để làm ra những chiếc khèn lớn, nhỏ phù hợp. Mỗi khâu từ chọn nguyên liệu, cắt, ghép cho đến điều chỉnh âm thanh đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Tôi dành nhiều thời gian để thử nghiệm âm thanh, sao cho mỗi ống trúc phát ra âm thanh trong trẻo và du dương nhất”.
Mỗi dịp lễ hội, âm thanh của khèn Mông lại vang vọng khắp núi rừng. Trong các lễ hội như tết Nguyên đán, lễ hội khèn hay các nghi thức cúng bái, khèn thường được sử dụng để biểu diễn, tạo dấu ấn đặc biệt cho các sự kiện quan trọng trong đời sống cộng đồng. Nghệ nhân Giàng Su Giàng chia sẻ thêm: “Khèn không chỉ xuất hiện trong các lễ hội mà còn là một phần trong cuộc sống hàng ngày.
Vào những buổi tối, thanh niên trong bản thường quây quần bên nhau, chơi khèn, hát hò, kể chuyện. Khèn giúp chúng tôi giao lưu, kết nối và gìn giữ văn hóa truyền thống”. Khèn Mông còn là một phương tiện để thể hiện tình yêu. Nhiều chàng trai, cô gái đã dùng âm thanh của khèn để bày tỏ tình cảm, tạo nên những kỷ niệm đẹp trong tình yêu đôi lứa.
Qua những bản nhạc khèn, tình yêu trở nên lãng mạn và sâu sắc hơn, thể hiện tâm tư và tình cảm của người Mông. Âm thanh của khèn còn gắn với những truyền thuyết, những câu chuyện cổ tích, phản ánh đời sống tâm linh và bản sắc văn hóa dân tộc. Năm 2023, Nghệ thuật Khèn Mông tỉnh Yên Bái được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là niềm vinh dự và tự hào của người Mông nói chung, người Mông ở Mù Cang Chải nói riêng.
Để bảo tồn nghệ thuật khèn Mông, huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó chú trọng hoạt động truyền dạy; tổ chức sự kiện giao lưu văn hóa, nâng cao nhận thức và khuyến khích thế hệ trẻ tham gia gìn giữ và phát huy nghệ thuật khèn Mông. Âm thanh khèn Mông sẽ mãi mãi vang vọng núi rừng với sự chung tay gìn giữ của cộng đồng dân tộc Mông Mù Cang Chải.
Khèn không chỉ đơn thuần là một nhạc cụ mà còn là phương tiện để đồng bào Mông giao tiếp với thần linh, cầu mong cho mùa màng bội thu, sức khỏe và hạnh phúc. Những điệu múa truyền thống kết hợp với âm thanh du dương của khèn tạo nên một bức tranh sinh động, thể hiện sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa tâm linh và đời sống thực tại. |
Châu Á
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/16/343918/Nghe-thuat-khen-Mong—am-thanh-cua-dai-ngan.aspx