YênBái – Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, với khát vọng đổi mới, sáng tạo, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) tỉnh Yên Bái đã khẳng định vai trò, vị thế trong quản lý nhà nước, phát triển sự nghiệp TTTT, phục vụ công tác lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền tỉnh, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân trong thời kỳ hội nhập, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.
Sở TTTT phối hợp với Tỉnh đoàn Yên Bái triển khai kế hoạch chuyển đổi số năm 2024.
|
>> Ngành thông tin và truyền thông góp phần hiện đại hóa nền hành chính Yên Bái
>> Sở Thông tin và Truyền thông Yên Bái thực hiện tốt quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản
Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Trí Hà – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở TTTT về sự hình thành, phát triển và những dự định giải pháp của ngành trong thời gian tới.
P.V: Xin đồng chí cho biết, Sở TTTT được thành lập trong hoàn cảnh nào?
Đồng chí Lê Trí Hà: Cách đây 20 năm, ngày 20/12/2004, Sở Bưu chính, Viễn thông (nay là Sở TTTT) được thành lập theo Quyết định số 680/QĐ-UBND của UBND tỉnh Yên Bái. Đến ngày 10/4/2008, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 558/QĐ-UBND thành lập Sở TTTT trên cơ sở Sở Bưu chính, Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng tổ chức quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Sở Văn hóa – Thông tin.
Đây là bước chuyển quan trọng, đánh dấu sự hợp nhất các lĩnh vực liên quan đến thông tin và truyền thông để một cơ quan quản lý thống nhất. Những ngày đầu thành lập, Sở phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự.
Khó khăn nữa là do thời kỳ đầu mới thành lập ngành TTTT nên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ trung ương đến địa phương liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông chưa có, thiếu và chưa đồng bộ; dẫn đến, công tác tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ cũng gặp không ít khó khăn.
Giai đoạn 2004 – 2015, là thời kỳ Sở tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức, đào tạo đội ngũ cán bộ và từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước. Tập trung vào các nội dung quản lý, chương trình, mục tiêu như: quản lý báo chí, phát triển hạ tầng viễn thông, phát thanh – truyền hình, cổng/trang thông tin điện tử; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước.
Đặc biệt, đã xây dựng và triển khai phần mềm dùng chung quản lý văn bản điều hành tác nghiệp, thư điện tử công vụ được đưa vào sử dụng tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững đến ngày nay. Giai đoạn 2016 – 2020, Sở đóng vai trò then chốt trong xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính và thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, các lĩnh vực; đưa công tác quản lý báo chí, truyền thông đi vào nền nếp; nắm bắt và chú trọng công tác quản lý, giám sát thông tin trên mạng xã hội, an toàn, an ninh thông tin mạng.
Đồng chí Lê Trí Hà – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở TTTT tỉnh Yên Bái
Đặc biệt, Đề án Đô thị thông minh tỉnh Yên Bái được hình thành và triển khai từ giai đoạn này, tạo tiền đề quan trọng để đến nay tỉnh Yên Bái có trung tâm tích hợp dữ liệu hiện đại đáp ứng nhu cầu sử dụng hạ tầng dữ liệu cho giai đoạn phát triển mới về công nghệ thông tin của tỉnh.
Giai đoạn 2021 đến nay, là giai đoạn Sở đặt trọng tâm tham mưu, tổ chức thực hiện quyết liệt và đạt hiệu quả công tác chuyển đổi số. Theo đó, đã tham mưu giúp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Hạ tầng chuyển đổi số đã có bước phát triển mạnh mẽ, mạng lưới bưu chính phát triển rộng khắp. Dịch vụ viễn thông phát triển nhanh, cung cấp dịch vụ Internet với mạng lưới trải rộng toàn tỉnh. Các nền tảng, cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành được quan tâm xây dựng, tạo lập, số hóa, cập nhật, kết nối, chia sẻ phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Có thể nói, trong suốt quá trình thành lập và phát triển đến nay, Sở TTTT và cán bộ, công chức, viên chức và người lao động qua các thời kỳ của Sở TTTT đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo chức năng quy định và các nhiệm vụ chính trị khác được cấp ủy và chính quyền địa phương giao.
P.V: Sau 20 năm thành lập, Sở TTTT đã để lại những dấu ấn gì trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh?
Đồng chí Lê Trí Hà: Qua 20 năm xây dựng và phát triển, Sở TTTT đã nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh. Có thể điểm ra 3 dấu ấn nổi bật gắn với quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Yên Bái:
Một là, hạ tầng bưu chính, viễn thông, thông tin liên lạc có bước phát triển vượt bậc, nhất là kết quả phát triển hạ tầng viễn thông, Internet. Năm 2004, mật độ điện thoại cố định cả tỉnh mới chỉ đạt 1,6 máy/100 dân, thấp hơn nhiều so với trung bình cả nước; thuê bao di động còn rất ít, dịch vụ Internet chủ yếu tập trung ở tỉnh, trung tâm các huyện, thị xã, thành phố.
Đến nay, mật độ thuê bao di động đã đạt 89 thuê bao/100 dân, thuê bao Internet băng thông rộng đạt 87 thuê bao/100 dân, hạ tầng di động đã phủ sóng 99% địa bàn các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh. Những kết quả đó đã tạo nền tảng, cơ sở quan trọng phục vụ các ngành, lĩnh vực của đời sống, xã hội, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực kinh tế.
Hai là, hoạt động báo chí, truyền thông, phát thanh, truyền hình chuyển dịch nhanh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, ứng dụng mạnh công nghệ số, tạo ra sản phẩm truyền thông có chất lượng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thông tin của người dân; góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Yên Bái đến bạn bè trong và ngoài nước, góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế – xã hội vào tỉnh.
Ba là, công cuộc chuyển đổi số của tỉnh có bước “đột phá”, lan tỏa mạnh mẽ theo hướng “toàn dân, toàn diện”; hạ tầng và các nền tảng, ứng dụng công nghệ số đã phát huy có hiệu quả trong đời sống xã hội, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy các cấp, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng quản trị, tổ chức sản xuất, kinh doanh; đáp ứng nhu cầu thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh.
P.V: Xin đồng chí chia sẻ kế hoạch của ngành trong thời gian tới?
Đồng chí Lê Trí Hà: Trước bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đất nước ta, tỉnh ta đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi, thách thức đan xen, đặc biệt là trước sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ số, trước kỳ vọng lớn về chuyển đổi số của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nhân dân trong tỉnh, để vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành sứ mệnh của mình trong giai đoạn cách mạng mới – cách mạng chuyển đổi số đưa tỉnh nhà bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Sở TTTT xác định: tiếp tục tham mưu giúp tỉnh làm tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực TTTT và chuyển đổi số ở mô hình tổ chức bộ máy mới.
Triển khai các giải pháp cụ thể để phát triển hạ tầng viễn thông; tập trung vào hoàn thành việc phủ sóng các thôn, bản lõm sóng, trắng sóng; bảo đảm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng thông rộng tốc độ cao được phổ cập tới các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và đẩy mạnh việc triển khai mạng 5G trên phạm vi toàn tỉnh; đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của tỉnh trên cả 3 trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; trong đó, trọng tâm là xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu – các nền tảng số của tỉnh bảo đảm kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo động lực phát triển kinh tế số, xã hội số cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình phục vụ người dân và doanh nghiệp…
Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông và hệ thống thông tin cơ sở tại địa phương thông tin, tuyên truyền toàn diện, đầy đủ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương, xây dựng lòng tin và tạo sự đồng thuận của nhân dân; tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát thông tin trên mạng nhằm loại bỏ các thông tin xấu độc, sai sự thật gây ảnh hưởng không tốt đối với xã hội; thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, chuyển đổi số trong thông tin đối ngoại.
Kế thừa truyền thống tốt đẹp của ngành trong 20 năm qua, cán bộ, công chức, viên chức Sở TTTT tỉnh vững tin bước vào giai đoạn cách mạng mới với khí thế mới, quyết tâm mới, nỗ lực mới và thắng lợi mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cho sự phát triển giàu mạnh của tỉnh Yên Bái.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hồng Duyên (thực hiện)
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/11/343628/Nganh-thong-tin-va-truyen-thong-tinh-Yen-Bai-vung-tin-buoc-vao-giai-doan-cach-mang-moi.aspx