Ngân hàng Nhà nước vừa có Văn bản 6385/NHNN/CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa
|
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8.
Bên cạnh đó, báo cáo kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới gửi Ngân hàng Nhà nước trước ngày 8/1/2024.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh liên tục giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-2%/năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành được đánh giá là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Cùng đó, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào. Từ đó, có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.
Các Ngân hàng thương mại cũng vừa có động thái giảm lãi suất hàng loạt như Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng Quốc dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB)…, đã thay đổi biểu lãi suất huy động từ 0,1-0,3 điểm % so với trước.
Tại Nghị quyết số 105/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng 1,5-2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.
Ngân hàng Nhà nước cần xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13-15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn) và công bố ngay bằng biện pháp, hình thức phù hợp, hiệu quả chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại đến hết năm 2023, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế.
(Theo Tin tức)