YênBái – Theo phong tục, tết cổ truyền của đồng bào Mông thường diễn ra trước tết Nguyên đán 1 tháng. Thời điểm này thu hoạch xong vụ mùa, mọi người nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả. Hiện nay, phần lớn người Mông đã cùng ăn chung tết Nguyên đán với cả dân tộc. Theo đó, tục cúng tết sẽ diễn ra vào ngày cuối cùng của tháng 12 âm lịch, tức là ngày 29 hoặc ngày 30 tùy từng năm. Đây là dịp để các gia đình nghỉ ngơi, tổ chức bữa cơm tất niên, cầu mong một năm mới tốt đẹp hơn.
Bàn thờ cúng tết của người Mông.
|
>> Nét đặc sắc trong văn hóa của người Mông
Đối với người Mông, cúng tết là một nghi thức rất quan trọng trong cả năm. Từ quan niệm, cúng tết để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mọi người có sức khỏe, mùa màng bội thu, người Mông còn thờ cúng nông cụ để thể hiện lòng biết ơn và cầu mong năm mới làm ăn gặp nhiều may mắn. Trong đó, lễ vật cúng là gà trống đẹp đóng vai trò rất quan trọng để cầu vía, cầu bình an, phát đạt. Khác với các dân tộc khác, người Mông cúng tết thường do chủ nhà tự cúng hoặc sẽ nhờ bố đẻ, bác, chú, anh ruột cúng hộ chứ không nhờ người ngoài.
Ông Chang A Của ở bản Lùng Cúng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: “Lễ cúng tết của đồng bào Mông diễn ra vào ngày cuối cùng của tháng Chạp. Ngoài hương, vàng mã, lễ vật chính để cúng tết là 1 con gà trống lông mượt, đẹp. Trước khi cúng, chủ nhà sẽ chặt 3 cây trúc nhỏ, bó lại thành một cái chổi để quét toàn bộ mạng nhện, bụi bặm trong nhà ra ngoài với quan niệm là quét tất cả những xui xẻo, không may mắn trong năm cũ đi. Sau đó, họ lấy các nông cụ như dao phát, cuốc, xẻng về dựng cạnh bàn thờ, cắt một mảnh giấy bản to bằng khổ giấy A4, đục hoa văn dán thay mới vào bàn thờ và dán giấy vào các nông cụ. 3 ngày sau khi hóa vàng xong mới được sử dụng các dụng cụ lao động; dán giấy vào đồ dùng sinh hoạt trong nhà từ cánh cửa, cột nhà, bàn, ghế, chuồng trại, máy móc… rồi tiến hành cúng Tết”.
Khi hoàn tất các bước chuẩn bị và đồ lễ cúng, chủ nhà mang con gà trống được chọn làm lễ vật cúng đã chuẩn bị sẵn đi rửa chân sạch sẽ, về đứng trước bàn thờ và đọc bài cúng gọi thần linh về chứng giám, nhận lễ vật sống với nội dung rằng: năm cũ đã hết, năm mới đã đến, gia chủ có nhiều vàng mã, hương giấy và một con gà trống đẹp để dâng lên thần linh, xin hãy về chứng giám, nhận lễ sống, phù hộ, che chở cho gia đình năm mới bình an, mạnh khỏe, may mắn…
Khi hoàn thành lễ cúng, gia chủ mang gà đi cắt tiết rồi nhổ 3 chòm lông cổ, chấm vào tiết, dán hàng ngang lên đầu mảnh giấy bản trên bàn thờ. Sau đó, gà được mang đi mổ, làm sạch và luộc nguyên con.
Khi gà chín sẽ được sắp nguyên con lên mâm cùng một bát cơm, đôi đũa đặt trước bàn thờ và gia chủ lại tiếp tục đọc lời khấn mời thần linh về chứng giám, thụ lộc chín. Cúng thần linh xong, gà được chặt, sắp một mâm cơm cúng tổ tiên, các vị thần tài lộc, ma nhà với ý nguyện tạ ơn sau một năm phù hộ, che chở cho gia đình và cầu mong được tiếp tục phù hộ, che chở cho gia đình năm mới bình an, mạnh khỏe…
Sau khi hoàn tất các nghi lễ thờ cúng, đầu và chân của con gà cúng tết sẽ được gia chủ mang ra xem để đoán biết tài lộc của gia đình trong năm mới. Có thể thấy, tục cúng tết của người Mông là một nét văn hóa tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp, có ý nghĩa sâu xa, hướng tới đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Nét đẹp tín ngưỡng tâm linh này được các thế hệ người Mông trên địa bàn tỉnh Yên Bái truyền giữ qua nhiều đời.
Châu Á
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/16/344664/Net-dep-tin-nguong-cua-nguoi-Mong.aspx