YênBái – Nhằm thông tin tới độc giả về những kết quả đạt được qua 4 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có phỏng vấn đồng chí Trần Xuân Thủy – Trưởng ban Dân tộc tỉnh về nội dung này.
Nguồn lực đầu tư từ Chương trình đã mang lại diện mạo mới cho vùng cao Yên Bái. (ảnh minh họa)
|
P.V: Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình này trong giai đoạn 2021-2024 như thế nào thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Xuân Thủy: Để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh căn cứ các văn bản của Trung ương, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực đồng bộ nhiệm vụ của Chương trình.
Trên cơ sở Kế hoạch 184/KH-UBND của giai đoạn 2021-2025, hàng năm Ban Dân tộc tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch cụ thể về giao kế hoạch thực hiện, kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 và hàng năm theo dự toán phân bổ của Trung ương, tỉnh giao vốn chi tiết để triển khai thực hiện.
Đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu ban hành Nghị quyết số 06 ngày 30/3/2022 của HĐND tỉnh về Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, đây là nghị quyết quan trọng để làm cơ sở phân bổ nguồn vốn cho các ngành và các địa phương để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; Nghị quyết số 20 ngày 19/4/2024 của HĐND tỉnh về việc giao cho HĐND huyện Văn Chấn, HĐND huyện Văn Yên thực hiện cơ chế thí điểm trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
>> Yên Bái phát huy hiệu quả chính sách dân tộc
>> Vùng cao Yên Bái đổi thay nhờ chính sách dân tộc
Ban Dân tộc tỉnh thường xuyên chủ động phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện 10 dự án thành phần. Kết quả nguồn vốn đầu tư đến nay đã giải ngân đạt 913.965 triệu đồng/kế hoạch 981.516 triệu đồng, bằng 93,1%, trong đó đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa 3.954 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN đã hỗ trợ làm mới 1.464 nhà ở cho hộ nghèo (năm 2023 là 828 nhà, năm 2024 hỗ trợ 636 nhà) và đầu tư 224 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN gồm: 72 công trình đường giao thông với (khoảng 130km); 36 công trình cầu, ngầm, kè; 22 công trình thuỷ lợi; 37 công trình trường học; 25 công trình nước sạch; 2 công trình điện nông thôn (khoảng 18.500m), 10 công trình chợ và 20 công trình văn hóa, thể thao; nguồn vốn sự nghiệp giải ngân 289.981 triệu đồng/kế hoạch 557.348 triệu đồng, đạt 52,03% kế hoạch.
P.V: Quá trình triển khai thực hiện Chương trình tại các xã, huyện vùng cao, vùng đồng bào DTTS trong tỉnh không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân thực hiện các dự án, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Xuân Thủy: Trong quá trình thực hiện, thời gian đầu còn gặp nhiều khó khăn do các văn bản hướng dẫn của Trung ương ban hành chậm, không đồng bộ thậm chí có những nội dung hướng dẫn nhưng còn thiếu căn cứ thực hiện… Đến nay, về cơ bản, những khó khăn vướng mắc của Chương trình đã được Trung ương tháo gỡ, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả Chương trình, tỷ lệ giải ngân hàng năm của tỉnh Yên Bái vẫn đứng trong tốp 10 của cả nước và đứng đầu trong các tỉnh khu vực Tây Bắc.
Đến nay, còn một số vướng mắc vẫn đang chờ Trung ương tháo gỡ để thực hiện như: Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1719/QĐ-TTg; bổ sung đối tượng “Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên”; điều chỉnh tăng mức hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng; sửa đổi quy định thực hiện Tiểu dự án 1 – Dự án 9 (đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm DTTS còn gặp nhiều khó khăn) theo hướng “hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn” thành “hỗ trợ trực tiếp không thu hồi vốn”…).
Ban Dân tộc tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh có Báo cáo số 231/BC-UBND ngày 30/10/2024, gửi Ủy ban Dân tộc, theo đó đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra trên địa bàn tỉnh hiện nay. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các huyện, phối hợp với các ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở. Bên cạnh đó, hàng tháng tổ chức họp trực tuyến với các huyện, thị xã nắm tiến độ triển khai và giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kịp thời triển khai thực hiện. Đặc biệt đã thành lập nhóm Zalo giữa các ngành của tỉnh và huyện để xử lý nhanh các tình huống phát sinh từ cơ sở.
P.V: Đồng chí có thể đánh giá những kết quả đạt được trong thực hiện các mục tiêu của Chương trình trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2024?
Đồng chí Trần Xuân Thủy: Kết quả đầu tư của Chương trình đã góp phần duy trì ổn định đời sống, an sinh xã hội được bảo đảm, đồng bào các DTTS tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Giáo dục đào tạo được đổi mới căn bản, toàn diện. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của đồng bào từng bước được nâng cao, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy.
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đến nay các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình có 7/21 chỉ tiêu về đích trước, đã đạt và vượt so với mục tiêu của Chương trình.
Đồng chí Trần Xuân Thủy – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái.
Đáng chú ý như: tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN giảm bình quân 7,66% (so với mục tiêu Trung ương giao vượt 2,66%); tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%, hoàn thành mục tiêu Chương trình đề ra; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 95% so với mục tiêu Chương trình là 70% (vượt 25%); tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,5% so với mục tiêu Chương trình là 90% (vượt 3,5%); tỷ lệ học sinh học THCS đạt 98,76% so với mục tiêu Chương trình là 95% (đạt và vượt 3,76%); tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 95,1% so với mục tiêu Chương trình là 80% (đạt và vượt 15,1%)… Các chỉ tiêu còn lại dự ước đến hết năm 2025, hoàn thành 100% bảo đảm mục tiêu Chương trình đề ra.
P.V: Để bảo đảm tiến độ giải ngân các dự án và đạt được mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn 2021-2025, thời gian tới Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện Chương trình như thế nào?
Đồng chí Trần Xuân Thủy: Ban Dân tộc tỉnh sẽ phối hợp các ngành trình UBND tỉnh sớm giao kế hoạch vốn chi tiết năm 2025 đến các đơn vị để triển khai thực hiện Chương trình ngay từ những tháng đầu năm. Đồng thời ban hành kế hoạch, đề ra giải pháp triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đến nay chưa đạt được của Chương trình. Tiếp tục tuyên truyền, vận động, huy động sự đồng tình, ủng hộ của đồng bào các dân tộc tham gia thực hiện Chương trình.
Phối hợp với các sở ngành, địa phương với quyết tâm chính trị cao nhất, quyết liệt hơn nữa, có các giải pháp, kế hoạch cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành mục tiêu Chương trình đề ra. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện, chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp nhằm xử lý kịp thời đối với những vấn đề phát sinh. Tiếp tục tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức thực hiện Chương trình nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Minh Hằng (thực hiện)
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/11/344087/Mang-dien-mao-moi-den-voi-vung-dong-bao-dan-toc.aspx