Từ rất xa xưa Yên Bái đã là một bộ phận của Tổ quốc. Thời các vua Hùng, Yên Bái thuộc Tân Hưng, thời Lý thuộc Châu Đăng, thời Trần trong lộ Quy Hóa, thời Lê đến thời Nguyễn nằm trong phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa.
Vào cuối thế kỷ XIX, sau khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp tiến hành “bình định” nước ta, chúng đặt Yên Bái thuộc các đạo quan binh (1891 – 1900). Ngày 11/4/1900, thực dân Pháp thành lập tỉnh Yên Bái gồm có phủ Trấn Yên, hai châu Văn Chấn, Văn Bàn và thị xã tỉnh lỵ đặt tại làng Yên Bái. Từ năm 1910 – 1920, Pháp chuyển châu Lục Yên (tỉnh Tuyên Quang) và châu Than Uyên (tỉnh Lai Châu) vào tỉnh Yên Bái. Từ đó cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, địa dư và các đơn vị hành chính tỉnh Yên Bái không thay đổi.
Nhà thờ Yên Bái năm 1910 – Ảnh tư liệu
Tháng 5/1955, các châu Văn Chấn, Than Uyên chuyển thuộc khu tự trị Thái – Mèo, một phần huyện Than Uyên và các xã Nậm Có, Khau Phạ (Văn Chấn) được tách ra thành lập châu Mù Cang Chải. Tháng 6/1956, huyện Yên Bình (tỉnh Tuyên Quang) sáp nhập vào tỉnh Yên Bái. Tháng 10/1962, Quốc hội quyết định đổi tên khu tự trị Thái – Mèo thành khu tự trị Tây Bắc và thành lập các tỉnh trực thuộc. Ngày 24/12/1962, tỉnh Nghĩa Lộ (thuộc khu tự trị Tây Bắc) chính thức được thành lập gồm các huyện Văn Chấn, Than Uyên, Phù Yên. Năm 1964, một phần huyện Văn Chấn được tách ra thành lập huyện Trạm Tấu. Đầu năm 1965, khu vực thượng huyện Lục Yên được tách ra thành lập huyện Văn Yên. Tháng 10/1971, Chính phủ thành lập thị xã Nghĩa Lộ. Ngày 3/1/1976, hợp nhất ba tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ (trừ hai huyện Bắc Yên và Phù Yên chuyển thuộc tỉnh Sơn La) và Lào Cai thành tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Ngày 1/10/1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn chia thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Các huyện Than Uyên, Văn Bàn và Bảo Yên trước đây thuộc tỉnh Yên Bái chuyển thuộc tỉnh Lào Cai.
Truyền thống văn hóa: Các phát hiện di cốt người hiện đại có niên đại 8-14 vạn năm ở hang Hùm (Lục Yên), thạp đồng Đào Thịnh, thạp đồng Hợp Minh (Trấn Yên), trống đồng Phù Nham (Văn Chấn), Mông Sơn (Yên Bình), Khai Xuân (Lục Yên) và nhiều công cụ bằng đá, bằng đồng khẳng định mảnh đất Yên Bái là địa bàn sinh tụ của người Việt cổ, có nền văn hóa phát triển liên tục và khá rực rỡ.
Yên Bái cũng là vùng có nhiều dân tộc sinh sống lâu đời, hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 1258 nhân dân các vùng Văn Chấn, Trấn Yên đã tham gia đội quân của tù trưởng Hà Bổng, trại chủ Quy Hóa chiến đấu chống giặc Mông – Nguyên khi chúng sang xâm lược nước ta lần thứ nhất. Năm 1285, nhân dân châu Thu Vật (Yên Bình) và các vùng xung quanh đã ủng hộ, giúp đỡ đạo quân của tướng Trần Nhật Duật chặn đánh quân Nguyên Mông quyết liệt, làm chậm bước tiến của chúng về kinh thành Thăng Long.
Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX nhân dân các dân tộc Yên Bái đã góp phần không nhỏ bảo vệ triều Lê, chống họ Mạc cát cứ và sự cướp bóc của “giặc giã”.
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn từng bước đầu hàng, nước ta trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến. Đầu năm 1886, quân Pháp đánh chiếm Yên Bái. Tổng đốc Hưng Hóa Nguyễn Quang Bích, bố chánh Nguyễn Văn Giáp phối hợp cùng các lãnh đạo địa phương như Vương Văn Doãn phối hợp cùng các lãnh đạo địa phương như Vương Văn Doãn, Đặng Đình Tế, Phạm Thọ, Đặng Tiến Lộc, Đổng Phúc Thịnh tổ chức đánh chặn địch quyết liệt; xây dựng căn cứ chiến đấu ở Tú Lệ (Văn Chấn), làng Vần (Trấn Yên) gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Ngày 19/10/1889, nghĩa quân đánh tan cả đoàn thuyền địch gồm 13 chiếc trên sông Hồng, đoạn giữa Trái Hút và Bảo Hà.
Nhà ga Yên Bái năm 1938 – Ảnh tư liệu
Từ năm 1886 đến năm 1898, các hoạt động bất hợp tác với giặc, nhiều cuộc khởi nghĩa nhỏ liên tục nổ ra khắp các vùng Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình, gây ra cho thực dân Pháp nhiều khó khăn trong việc thiết lập bộ máy thống trị và kiểm soát các tổng, xã.
Năm 1913-1914, cuộc khởi nghĩa do Triệu Tài Lộc, Triệu Kiến Tiên và một số thủ lĩnh khác tổ chức được đông đảo người Dao, Tày, Kinh tham gia, ủng hộ. Từ cơ sở đầu tiên ở tổng Trúc Lâu, phong trào lan rộng khắp châu Lục Yên, phủ Trấn Yên, phủ Yên Bình với tổng số 1.414 người. Nghĩa quân đã tiến công đồn Trái Hút (19/10/1914), đồn Bảo Hà (21/10/1914), đồn Lục Yên (22/10/1914). Đây là sự kiện tiêu biểu khẳng định lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết quận khởi của nhân dân các dân tộc Yên Bái nhưng do tổ chức, phối hợp thiếu chặt chẽ, trang bị vũ khí lạc hậu, thiếu thốn cho nên các cuộc tiến công không giành được thắng lợi. Thực dân Pháp đàn áp dã man cuộc khởi nghĩa, bắt hàng trăm người, trong đó có rất nhiều phụ nữ, xử tử 67 người (39 người ở nghĩa địa Tây Yên Bái, 28 người ở Phú Thọ).
Khi thực dân Pháp tiến hành khai thác, cướp bóc thuộc địa, đặc biệt là việc chúng cướp ruộng đất, lập đồn điền, nông dân các xã Mông Sơn, Ẩm Phước (phủ Yên Bình), Nga Quán, Cổ Phúc (phủ Trấn Yên) và nhiều nơi khác đã liên tục đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, cướp ruộng đất, làm cho thực dân Pháp rất lúng túng, lo sợ và bất ổn định.
Trong bối cảnh đó, đầu năm 1930 trên địa bàn Yên Bái đã nổ ra cuộc khởi nghĩa của tổ chức Việt Nam Quóc dân Đảng, do Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa không thành, do không đề ra được đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn để tập hợp rộng rãi quần chúng nhân dân bị áp bức đứng lên giải phóng. Mặc dù bị thất bại, nhưng tinh thần yêu nước, bất khuất, kiên cường của các nghĩa sĩ trước sự khủng bố, đàn áp dã man của kẻ thù đã thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân các dân tộc Yên Bái đứng lên đấu tranh giành độc lập. Đó là những sự kiện lịch sử tiêu biểu, thể hiện truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết quật khởi của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. Truyền thống đó được nhân lên gấp bội khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mùa xuân 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã mở ra một trang sử mới cho lịch sử cách mạng Việt Nam, tác động mạnh mẽ đến phong trào yêu nước của nhân dân các dân tộc Yên Bái.
Đầu những năm 40 của thế kỷ XX, những cán bộ cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ được cử lên Yên Bái hoạt động và đã xây dựng được một số cơ sở cách mạng ở huyện Trấn Yên và thị xã Yên Bái. Với truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống ngoại xâm của nhân dân các dân tộc Yên Bái từ tháng 10-1944 đến đầu năm 1945, nhiều cơ sở cách mạng được xây dựng, phát triển ở các huyện trong tỉnh, các tổ chức cứu quốc được thành lập, tập hợp hàng ngàn hội viên. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), khí thế cách mạng của quần chúng khắp nơi trong tỉnh dâng cao. Để đẩy mạnh phong trào cách mạng ở Yên Bái, ngày 7/5/1945, Chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập ở thị xã Yên Bái. Ngày 30/6/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái – Phú Thọ do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư. Sự kiện thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái – Phú Thọ đã mở ra một bước ngoặt mới cho phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương.
Cùng với cả nước, từ thân phận của dân tộc đói nghèo, lạc hậu bị áp bức, nô lệ, cuộc Cách mạng Tháng tám năm 1945 đã thổi bùng lên ngọn lửa Yêu nước, tinh thần bất khuất, quật cường của đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Tòa Công sứ Yên Bái năm 1933 – Ảnh Tư liệu
Ngày 22/8/1945, tại vườn hoa tỉnh lỵ Yên Bái gần một vạn người về dự mít tinh đã chừng kiến sự kiện lịch sử quan trọng: Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái được thành lập, tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, công bố chính sách của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, ủng hộ giúp đỡ, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ thành quả cách mạng, vượt mọi khó khăn, gian khổ từng bước xây dựng cuộc sống đổi mới. Yên Bái bước sang trang sử mới.
Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc phát huy chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết, thống nhất phấn đấu thực hiện lý tưởng cao cả của Đảng, của Bác Hồ kính yêu: hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Những ngày đầu thành lập chính quyền cách mạng của tỉnh, tiếp thu gia tài đổ nát do chế độ cũ để lại: công nghiệp phá sản, nông nghiệp đình đốn, tài chính kiệt quệ, nạn đói đe dọa trầm trọng, hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội phức tạp… nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, chính quyền công nông non trẻ vẫn đứng vững, chống lại mọi âm mưu và thủ đoạn phá hoại của bọn phản cách mạng; lãnh đạo nhân dân các dân tộc động viên cao độ sức người, sức giải phóng quê hương, cùng cả nước góp phần làm nên Chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng miền Bắc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường trong chiến tranh cách mạng, đem hết sức lực, trí tuệ vượt qua khó khăn, chiến đấu bảo vệ quê hương, khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh; cùng cả nước chi viện cho Miền Nam, góp phần làm nên thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, trước bộn bề khó khăn cả trong nước và quan hệ quốc tế vào thời điểm đó, cùng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân trên cả nước, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh từng bước giành được những thành tựu quan trọng, đẩy lùi khủng hoảng kinh tế – xã hội, đưa cách mạng Việt Nam bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo.
Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt từ khi tái lập tỉnh (1991) mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, trước tình hình thế giới diễn ra phức tạp, cùng với những khó khăn của một tỉnh miền núi nghèo, kinh tế chậm phát triển, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, trình độ dân trí thấp và không đồng đều, đời sống của nhân dân các dân tộc còn nhiều khó khăn; song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực cánh sinh, huy động tối đa nội lực, kiên quyết chống lại tư tưởng bảo thủ, ỷ lại, bao cấp, huy động và tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao và vững chắc, lấy công nghiệp và du lịch làm khâu đột phá để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Qua hàng nghìn năm lịch sử, nhân dân các dân tộc Yên Bái đã hun đúc nên những truyền thống tốt đẹp là lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc, tình đoàn kết dân tộc, đức tính lao động cần cù, sáng tạo. Đây là những giá trị tinh thần bền vững mà Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã kế thừa, phát huy cao độ trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa trên quê hương mình.
Cổng TTĐT tỉnh