YênBái – Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Yên Bái phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học Nghiên cứu di tích lịch sử – văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Quang cảnh Hội thảo.
|
Tham dự Hội thảo có các nhà báo, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử, lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Sơn La, Hải Dương, Hà Nội…
Ngày 10/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 396/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040 với mục tiêu xây dựng và phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà thành một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước.
Mục tiêu đến năm 2030, phát triển Khu du lịch hồ Thác Bà trở thành một trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của tỉnh Yên Bái và vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; năm 2030 đón khoảng 1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 140 nghìn lượt; tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt khoảng 900 tỷ đồng.
>> Yên Bình tổ chức bảo tồn Lễ hội Cầu mùa
>> “Khi đàn chim trở về” – bức tranh thiên nhiên ấn tượng trên hồ Thác Bà
>> Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà sẽ là động lực phát triển du lịch của cả nước
Hồ Thác Bà – viên ngọc quý của vùng Tây Bắc Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa có thương hiệu.
Xuất phát từ yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị các di tích góp phần xây dựng nền văn hóa trở thành nền tảng tinh thần xã hội, cũng như để thực hiện quy hoạch chung xây dựng và phát triển danh thắng hồ Thác Bà trở thành khu du lịch quốc gia, Hội thảo đã tập trung làm rõ diện mạo các di tích lịch sử – văn hóa vùng hồ Thác Bà một cách toàn diện, bao gồm các lĩnh vực văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, cảnh quan thiên nhiên để có được một bức tranh toàn cảnh về vùng hồ Thác Bà, từ đó, có những nhận xét xác đáng đánh giá giá trị nguồn di tích lịch sử – văn hóa vùng hồ một cách khách quan, trung thực.
Các đại biểu, các nhà nghiên cứu đã đề xuất ý tưởng, kiến nghị thiết thực trong việc tiếp tục nghiên cứu, phát hiện nguồn di tích lịch sử – văn hóa; các giải pháp bảo tồn phục hồi di tích, cả lĩnh vực vật thể và phi vật thể, hình thành chuỗi di sản liên kết chặt chẽ, đồng bộ; giải pháp trong lĩnh vực kiến tạo hạ tầng cơ sở vừa đảm bảo thuận lợi cho phát triển du lịch vừa tránh được xâm lấn đến vùng lõi đặc trưng của di tích…
Các nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị tại Hội thảo sẽ được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổng hợp, tiếp thu. Đây là những đóng góp thiết thực cho các cơ quan quản lý và hoạch định kế hoạch có cơ sở khoa học xúc tiến thành công dự án quy hoạch Khu du lịch Quốc gia vùng hồ Thác Bà.
Hoài Anh
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/16/331112/Hoi-thao-khoa-hoc-Nghien-cuu-di-tich-lich-su—van-hoa-vung-ho-Thac-Ba.aspx