Việc kịp thời hoàn thuế giá trị gia tăng giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn sản xuất, kinh doanh. Trong 7 tháng năm 2023, cơ quan thuế ban hành 9.990 quyết định tương ứng số thuế đã hoàn là 71.825 tỷ đồng, bằng 39% so với kinh phí hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt.
Người nộp thuế giao dịch tại Chi cục Thuế quận Ba Đình (Cục Thuế thành phố Hà Nội). Ảnh minh họa
|
Trong bối cảnh doanh nghiệp và nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, yêu cầu đặt ra là ngành Thuế cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ hoàn thuế…
Hoàn 71.825 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng
Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, năm 2022, cơ quan thuế cả nước ban hành 20.774 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền thuế được hoàn là 150.709 tỷ đồng. 7 tháng năm 2023, cơ quan thuế ban hành 9.990 quyết định tương ứng số thuế đã hoàn 71.825 tỷ đồng. Riêng tháng 6-2023, ngành Thuế tập trung ban hành quyết định hoàn thuế đối với những hồ sơ có vướng mắc, từ đó giảm được 188 hồ sơ (tương ứng giảm 19%) với số tiền đã hoàn là 5.810 tỷ đồng.
Trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, việc hoàn thuế giá trị gia tăng có vai trò hỗ trợ các hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh. Song trên thực tế, chậm hoàn thuế giá trị gia tăng là nút thắt mà doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc nhóm ngành gỗ phản ánh trong thời gian qua. Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài, khoảng 6.100 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ chưa được hoàn.
Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) Lê Thị Duyên Hải cho biết, hồ sơ đề nghị hoàn thuế của doanh nghiệp được tiếp nhận theo nguyên tắc “người nộp thuế tự tính, tự khai và tự chịu trách nhiệm”. Cơ quan thuế phân loại thành 2 trường hợp “hoàn trước – kiểm sau” và “kiểm trước – hoàn sau”. Trường hợp hoàn thuế trước, thời hạn giải quyết quy định là 6 ngày làm việc; còn đối với kiểm tra trước, thời hạn quy định là 40 ngày tính từ thời điểm người nộp thuế nộp đầy đủ hồ sơ hoàn thuế.
Qua rà soát hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước (hoàn thuế lần đầu, người nộp thuế trong thời hạn 2 năm kể từ thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế, hồ sơ rủi ro cao…), cơ quan thuế phát hiện một số hồ sơ có đầu vào đề nghị hoàn là hóa đơn giá trị gia tăng hàng hóa, dịch vụ mua của các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế và hóa đơn. Do vậy, cơ quan thuế cần kiểm tra, xác minh, đối chiếu để xác định số thuế giá trị gia tăng đủ điều kiện hoàn thuế, ngăn ngừa gian lận, thất thoát ngân sách nhà nước. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ, Tổng cục Thuế có văn bản chỉ đạo các cơ quan thuế khi tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế, phải xác minh nguồn gốc gỗ mua vào. Đây là bước cần thiết góp phần cùng doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định.
Hỗ trợ doanh nghiệp ở mức cao nhất
Trước phản ánh của doanh nghiệp về việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng, Chính phủ đã liên tiếp có văn bản chỉ đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế khẩn trương giải quyết việc hoàn thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định. Trường hợp có vướng mắc ngành Thuế đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để giải thích và có biện pháp tháo gỡ. Riêng tháng 6-2023, các cục thuế đã đối thoại với 63 doanh nghiệp có vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo và ngành Thuế đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc xây dựng dữ liệu về doanh nghiệp, từ đó phân tích, sàng lọc và chủ động xử lý những doanh nghiệp có rủi ro trước, giảm số lượng doanh nghiệp phải kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Cùng với đó, Bộ Tài chính chỉ đạo nâng cao năng lực công chức ngành Thuế, cơ quan thuế, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật thuế cho doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp chủ động, tự giác thực hiện các quy định về tài chính, thuế, đặc biệt là trong hoàn thuế giá trị gia tăng. Giải pháp khác là nâng cao kỷ cương, kỷ luật công vụ đối với công chức thuế trực tiếp thực hiện nhiệm vụ hoàn thuế giá trị gia tăng, vừa thực hiện đúng các quy trình, quy định của pháp luật, vừa không gây khó khăn cho doanh nghiệp khi hoàn thuế.
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 7-2023 và kế hoạch triển khai chương trình công tác tháng 8-2023 mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu ngành Thuế tập trung giải quyết các hồ sơ hoàn thuế, bảo đảm công khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp ở mức cao nhất; kiên quyết không hoàn thuế đối với hồ sơ không đủ điều kiện, hồ sơ có dấu hiệu gian lận cần chuyển cho cơ quan công an phối hợp xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
(Theo HNMO)