YênBái – Huyện Văn Chấn có diện tích cây ăn quả tập trung lớn nhất tỉnh. Mặc dù dịch bệnh vàng lá thối rễ làm nửa diện tích cam của huyện bị thiệt hại, song với mục tiêu giữ vững, phát triển Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Cam Văn Chấn, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng vận động nông dân thành lập các tổ liên kết, hợp tác xã (HTX) trao đổi, hỗ trợ nhau sản xuất đúng quy trình, tiêu thụ sản phẩm, góp phần giữ vững, khẳng định uy tín chất lượng vùng cam lớn nhất tỉnh.
Lãnh đạo xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn trao đổi với người dân về chăm sóc cây cam để giữ vững Chỉ dẫn địa lý Cam Văn Chấn.
|
>> Văn Chấn xây dựng “giấy thông hành” cho sản phẩm nông sản chủ lực
Nằm trong vùng trọng điểm trồng cây ăn quả của huyện Văn Chấn, xã Bình Thuận được biết đến là địa phương có diện tích cam tương đối nhiều (gần 300 ha). Nhờ cây cam mà nhiều hộ kinh tế khá lên trông thấy. Trong định hướng phát triển kinh tế của xã hàng năm, cam được xác địnhlà cây trồng chủ lực; bởi vậy, mỗi năm xã phấn đấu trồng mới khoảng hơn 10 ha cam và phấn đấu đến năm 2025 nâng diện tích cam của xã lên hơn 400 ha.
Ông Hoàng Văn Vượng – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nhằm nâng cao giá trị kinh tế cũng như giữ vững CDĐL Cam Văn Chấn, xã tập trung tuyên truyền, vận động bà con trồng, chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn VietGAP; hạn chế tối đa việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đồng thời, xã cũng chỉ đạo HTX cam trên địa bàn hỗ trợ các xã viên và nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cam đúng kỹ thuật để tạo sản phẩm sạch, an toàn đến tay người tiêu dùng”.
Là hộ có diện tích cam nhiều nhất xã Bình Thuận, gia đình Nguyễn Duy Mạnh, thôn Quăn 4 có hơn 3 ha cam. Có kinh nghiệm trồng cây ăn quả từ 10 năm nay, nên khi tham gia sản xuất cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Mạnh tập trung chăm bón cho cây cam bằng phân hữu cơ tạo độ tơi xốp cho đất.
Ngoài ra, anh không sử dụng thuốc BVTV hóa học, chất kích thích tăng trưởng đối với sản phẩm cam. Nhờ đó, cam quả của anh luôn được đánh giá cao về chất lượng. Vụ quả năm 2022, anh thu gần 20 tấn và trừ chi phí còn cho thu lãi gần 400 triệu đồng.
Xác định chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng trong việc giữ vững, phát triển CDĐL Cam Văn Chấn, anh Nguyễn Văn Hiếu, thôn Nông Trường, xã Thượng Bằng La luôn tự tay làm cỏ, cắt tỉa cành, làm ống nhựa diệt côn trùng thay thế thuốc BVTV.
Với kinh nghiệm trồng cam hơn 10 năm nay, anh Hiếu thuộc nằm lòng việc phải chăm bón thế nào để cây cam cho quả mẫu mã đẹp, chất lượng mà vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm.
Anh Hiếu cho biết: “Ý thức được việc giữ vững CDĐL Cam Văn Chấn, bản thân tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình từ chăm sóc, đến khi thu hoạch quả phải đảm bảo tiêu chuẩn sạch, an toàn. Có như vậy, sản phẩm cam mới không bị đánh đồng với những sản phẩm khác. Từ đó, giá thành ổn định, đầu ra đảm bảo và người trồng cam cũng yên tâm đầu tư chăm sóc, tâm huyết hơn với cây cam”.
Xã Thượng Bằng La có gần 180 ha cam và toàn bộ diện tích đang cho thu hoạch. Những năm trước, dịch vàng lá, thối rễ đã khiến hơn 300 ha cam bị nhiễm bệnh, nhưng với sự vào cuộc sát sao của chính quyền xã, ngành nông nghiệp, dịch đã được khống chế, không còn ảnh hưởng đến cây cam.
Ông Hoàng Đình Mưu – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Mặc dù diện tích giảm khá nhiều, song việc xác định cam vẫn là cây trồng chủ lực. Đồng thời, để giữ vững CDĐL Cam Văn Chấn, địa phương vận động bà con giữ vững diện tích hiện có để tập trung chăm bón cho cây sinh trưởng, phát triển tốt đạt năng suất, hiệu quả. Đồng thời, xã phối hợp với ngành nông nghiệp huyện tìm nguồn cam giống chất lượng để người dân tập trung trồng, mở rộng diện tích, phấn đấu hết nhiệm kỳ 2025 đạt khoảng 400 ha cam”.
Hiện tại, huyện Văn Chấn có khoảng 1.100 ha cam. Tháng 11/2022, sản phẩm cam của huyện đã được cấp quyền bảo hộ CDĐL Cam Văn Chấn của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Do vậy, để giữ vững CDĐL “Cam Văn Chấn”, huyện tiến hành triển khai thực hiện dự án xây dựng mô hình liên kết sản xuất cam theo chuỗi giá trị và đạt tiêu chuẩn VietGAP và đến nay đã được 105 ha.
Cùng đó, huyện đã thành lập được 4 HTX chuyên về dịch vụ và sản xuất cây ăn quả, xây dựng 3 sản phẩm OCOP 3 sao về cam. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và đưa vào hệ thống một số siêu thị như: Metro, Vinmart, Big C và các chuỗi cửa hàng bán hoa quả ở khu đô thị với sản lượng khoảng 500 tấn/năm giá trị thu được khoảng 13 tỷ/năm.
Văn Chấn tập trung Nâng cao nhận thức của các HTX về vai trò của thương hiệu cũng như những điều kiện để xây dựng thương hiệu là một hoạt động cực kỳ quan trọng và có thể được triển khai với nhiều hình thức khác nhau như tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức; hình thành các câu lạc bộ, mở các lớp tập huấn kỹ năng…
Ông Phạm Nguyên Bình – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: Để giữ vững và phát triển CDĐL Cam Văn Chấn huyện tập trung duy trì và phát triển thương hiệu; phát huy các chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất, giữ vững thương hiệu gắn liền với CDĐL đã được chứng nhận; tích cực tuyên truyền lợi ích của việc cải thiện chất lượng sản phẩm đến từng hộ sản xuất, tăng cường bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho người trực tiếp sản xuất sản phẩm; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử để phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ, cấp mã số vùng trồng, xây dựng vùng chuyên canh theo hướng VietGAP, hữu cơ, hướng dẫn các HTX, doanh nghiệp và người dân trong vùng sản xuất các giải pháp nâng cao giá trị thương hiệu…
Thanh Tân