Nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn đã trở thành thương hiệu của du lịch Yên Bái.
Dù phải đối mặt với những thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3 nhưng đến hết năm 2024 ngành du lịch tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Toàn ngành du lịch ước đón phục vụ gần 2,3 triệu lượt khách, vượt kế hoạch đề ra và tăng so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước gần 290 nghìn lượt; doanh thu từ du lịch đạt trên 1.900 tỷ đồng. Cùng với cùng với các giải pháp nhằm kích cầu thị trường du lịch nội địa, đồng thời tăng cường công tác xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch dịch vụ mới phù hợp với thị trường khách du lịch tiềm năng nên Yên Bái đã dần trở thành điểm đến hấp dẫn với khách du lịch trong và ngoài nước.
Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch có sự đổi mới, kết hợp nhiều hình thức sáng tạo, từ việc ứng dụng công nghệ số, sử dụng mạng xã hội. Các chiến dịch truyền thông hiệu quả, nâng cao nhận diện hình ảnh du lịch tỉnh, thu hút sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp như: đưa các ấn phẩm, phim du lịch của tỉnh Yên Bái trưng bày và trình chiếu trên máy bay và khu vực sân bay Nội Bài; xuất bản, in tài liệu quảng bá về du lịch Yên Bái bằng nhiều thứ tiếng … đã góp phần đưa hình ảnh của tỉnh Yên Bái đến được với nhiều địa phương, quốc gia trên thế giới.
Tỉnh Yên Bái cũng đã mang hình ảnh của mình nhiều hơn đến du khách thông qua các hội chợ, sự kiện văn hoá du lịch trong cả nước trong nước: Triển lãm “Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam” trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia – Điện Biên 2024; Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Yên Bái tại “Ngày hội gia đình Việt Nam” năm 2024, tại Thành phố Hải Phòng; Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 năm 2024; Lễ hội Hoa Ban tỉnh Điện Biên; Hội chợ Du lịch quốc tế VITM – Hà Nội; Tuần du lịch, văn hóa Lai Châu; Hội chợ du lịch Tây Bắc Điện Biên… Cùng với đó là ký kết thỏa thuận khung hợp tác với tỉnh Yamanashi (Nhật Bản) vào tháng 9/2024 về 5 lĩnh vực hợp tác chính, trong đó về lĩnh vực du lịch. Tỉnh Yên Bái cùng 7 tỉnh Tây Bắc và thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai chương trình hợp tác phát triển du lịch; triển khai hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Ninh Bình, Quảng Ninh, Nghệ An nhằm mở rộng thị trường thu hút khách du lịch đến với Yên Bái. Qua việc tham gia những sự kiện văn hoá du lịch, ngành du lịch của tỉnh góp phần mở rộng thị trường khách và từng bước khẳng định uy tín, hình ảnh, thương hiệu của du lịch Yên Bái, đồng thời đây cũng là cơ hội để Yên Bái kết nối với các thị trường du lịch trong và ngoài nước.
Nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn đã trở thành thương hiệu của du lịch Yên Bái như: Lễ hội Quế huyện Văn Yên; Ngày hội văn hóa dân tộc Dao xã Tân Phượng; Ngày hội Pay Tái xã Lâm Thượng (huyện Lục Yên), Lễ hội Đền Đông Cuông năm 2024; Lễ cúng rừng Nà Hẩu; Lễ hội trà Shan tuyết Suối Giàng; Lễ hội gầu tào (huyện Trạm Tấu); Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia Lễ “Xên Đông” (Cúng rừng) của người Thái thị xã Nghĩa Lộ; Lễ hội tôn vinh cây Chè tổ và đêm tiệc trà Suối Giàng; các hoạt động du lịch “Mùa nước đổ”… Các sự kiện, lễ hội được tổ chức đã giúp cho du khách có những trải nghiệm thú vị, ấn tượng sâu sắc, khó quên về Yên Bái – Nơi hội tụ những sắc màu Tây Bắc, vùng đất thiên nhiên tươi đẹp với những con người thân thiện, nhân ái, mến khách để cùng lắng đọng cảm xúc qua những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, tinh tế ẩn chứa câu chuyện kể về thế giới quan, thiên nhiên vùng sơn cước đầy sống động để thêm yêu mến và trân trọng những giá trị của di sản và đặc biệt lễ hội góp phần tạo ra sinh kế cho cộng đồng dân cư – nơi du khách đến.
Xác định rõ vai trò quan trọng của hạ tầng du lịch, trong những năm qua, ngành du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp, địa phương không ngừng xây dựng điểm đến hiện đại, tiện nghi trong mắt du khách. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 6 doanh nghiệp đăng ký tổ chức kinh doanh lữ hành du lịch, trong đó có 4 doanh nghiệp lữ hành nội địa và 1 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 1 đại lý lữ hành. Hệ thống cơ sở hạ tầng về du lịch từng bước phát triển, đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành một số khách sạn cao cấp. Hiện toàn tỉnh có 564 cơ sở lưu trú, 16 cơ sở lưu trú xếp hạng 1-3 sao; 147 cơ sở lưu trú đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với khách sạn, nhà nghỉ, trong đó có 3.821 buồng, 5.938 giường; Loại hình nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) có 270 hộ gia đình, trong đó có 139 cơ sở đủ điều kiện thối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; 131 cơ sở chưa đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.
2024 cũng là năm đầu tiên tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thi hướng dẫn viên du lịch như một lời khẳng định của ngành: phát triển hạ tầng du lịch, phát triển tour tuyến du lịch song hành với nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trong ngành du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương và phát triển du lịch bền vững. Một năm cũ đã qua đi với những bộn bề khó khăn nhưng ngành du lịch đã vượt bão thành công. Với những kết quả đã đạt được, với những kinh nghiệm đã có, năm 2025 ngành du lịch Yên Bái chắc chắn sẽ là một năm với nhiều thành quả đáng tự hào hơn nữa.
Nguồn: https://yenbai.gov.vn/noidung/tintuc/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=35920&l=Tintrongtinh