YênBái – Yên Bái đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để triển khai các tuyến đường giao thông kết nối vùng, liên vùng, xoay quanh tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai tạo động lực phát triển cho vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, .
Người dân huyện vùng cao Mù Cang Chải chung sức bê tông hóa các tuyến đường giao thông đặc thù.
|
Ở các xã vùng cao, vùng đồng bào DTTS của Yên Bái có phần lớn diện tích là đồi núi hiểm trở, địa hình chia cắt, đi lại rất khó khăn. Do vậy, phát triển mạng lưới giao thông khu vực này luôn được tỉnh đặc biệt ưu tiên đầu tư. Yên Bái đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để triển khai các tuyến đường giao thông kết nối vùng, liên vùng, xoay quanh tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai tại các khu vực này.
Tiêu biểu như: tuyến đường nối 3 tỉnh từ huyện Mường La, tỉnh Sơn La đi qua huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu và chạy qua các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai tại nút giao IC15 với tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng, quy mô đường cấp IV miền núi có tổng chiều dài 68,95 km; đường nối quốc lộ 32 (thị xã Nghĩa Lộ) với đường tỉnh 174 (huyện Trạm Tấu) với chiều dài 47 km, đầu tư trên 438 tỷ đồng; tuyến đường Trạm Tấu – Bắc Yên với chiều dài 16 km, tổng mức đầu tư 260 tỷ đồng…
Các tuyến đường này sẽ nâng cao khả năng vận tải, giảm chi phí, thời gian đi lại giữa các khu vực trong tỉnh, các địa phương trong vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, tạo tiền đề thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư, mở ra cơ hội, tương lai mới cho vùng này đổi mới và phát triển, nhất là về phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, mỗi năm, Yên Bái cũng huy động các nguồn lực đầu tư hàng trăm tỷ đồng để mở mới, mở rộng mặt đường và bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, nỗ lực bảo đảm cho nhân dân các xã vùng cao, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đi lại thuận tiện cả 4 mùa. Nhờ đó, các tuyến đường chính kết nối giao thông liên xã, liên thôn bản từng bước bảo đảm theo tiêu chuẩn, đúng quy hoạch xây dựng nông thôn mới, bề rộng mặt đường từ 3 mét trở lên.
Tại các thôn, bản xa trung tâm xã, việc bê tông đường đặc thù bằng cách hỗ trợ 1 phần xi măng được các huyện vùng cao tích cực triển khai. Ông Giàng A Dình – Chủ tịch UBND xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải cho biết: “Hàng năm, với sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của huyện, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ phụ trách, giúp đỡ xã cùng sự nỗ lực, chủ động tìm, kết nối các nguồn xã hội hóa của địa phương, xã Khao Mang đã có thể hỗ trợ định mức 35 tấn xi măng/km cho các bản đăng ký bê tông đường đặc thù, có bề rộng mặt đường từ 0,8 – 1,2 mét.
Đồng thời, xã cũng tích cực thực hiện “Ngày cuối tuần cùng dân” gắn với phong trào làm đường; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân thấy được lợi ích, hiệu quả. Từ đó, nhân dân tích cực hiến đất, góp công, kinh phí thực hiện các công trình. Trung bình mỗi năm, xã có thể bê tông hóa từ 3 – 5 km đường đặc thù với cách làm này”. Đến nay, tỉnh Yên Bái đã đạt tỷ lệ 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 95,5%.
Những tuyến đường giao thông được mở rộng, kiên cố hóa đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí, phục vụ dân sinh, khai thác thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương. Anh Lý Seo Bạn, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên cho biết: “Trước đây, đường vào thôn khó khăn lắm, phải đi luồn qua những khe suối, đường mòn nữa nên giá quế cũng thấp vì xe không vào chở được, phải thuê vận chuyển rất tốn kém. Mấy năm nay, có đường, xe ô tô có thể vào tận đồi chở quế, ai cũng vui mừng phấn khởi, nỗ lực sản xuất để thoát nghèo và làm giàu”.
Ở Văn Yên, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều con đường nhỏ hẹp, lầy lội, trơn trượt đã được thay thế bằng con đường rộng đẹp chạy xuyên qua những nương quế, đến từng ngõ xóm, từng hộ dân, góp phần đưa 10 xã vùng đặc biệt khó khăn cũng như 24/24 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Mạng lưới giao thông vùng cao, vùng đồng bào DTTS đã phát huy công năng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, rút ngắn khoảng cách vùng miền cũng như đưa diện mạo vùng cao đổi thay ngày một khang trang.
Đến tháng 11/2024, tổng kinh phí xây dựng các công trình giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt trên 546 tỷ đồng; thực hiện kiên cố hóa 357 km và mở rộng 21,45 km nền, mặt đường bê tông xi măng; mở mới 40,27 km và mở rộng nền 40,86 km đường đất; xây dựng 263 công trình thoát nước… |
Hoài Anh
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/12/342790/Dong-luc-cho-vung-cao-Yen-Bai-doi-moi.aspx