YênBái – Thời gian qua, du lịch tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển du lịch.
Từ nguồn kinh phí theo nghị quyết HĐND tỉnh, Đội văn nghệ dân gian dân tộc Cao Lan, xã Phúc An, huyện Yên Bình duy trì hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao dịch vụ du lịch
|
>> Khách du lịch đến Yên Bái tăng gần 52% so cùng kỳ
>> Yên Bái khai thác trên 50 tour du lịch phục vụ du khách
Một trong những nghị quyết góp phần quan trọng tạo sức bật để du lịch Yên Bái bứt phá là Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh Yên Bái quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 (gọi tắt là Nghị quyết 10) và mới đây là Nghị quyết số 81 quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2024 – 2030.
Nghị quyết 10 đã góp phần hỗ trợ các tập thể, cá nhân, các thôn, bản phát triển các hoạt động du lịch, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, gắn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc với phát triển du lịch.
Đội văn nghệ dân gian dân tộc Cao Lan, thôn Khuôn Đát, xã Phúc An, huyện Yên Bình hiện có gần 20 thành viên thường xuyên duy trì tập luyện các tiết mục hát dân ca, múa các làn điệu đậm bản sắc truyền thống của dân tộc. Đến nay, Đội là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động văn hóa mỗi khi du khách đến hay dịp lễ hội của địa phương.
Chị Thạch Thị Sinh – thành viên Đội văn nghệ phấn khởi: “Với mong muốn bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc, năm 2019, các chị em ở trong thôn, có năng khiếu và đam mê với các nhạc cụ dân tộc, am hiểu về các làn điệu dân ca của đồng bào đã tập hợp nhau lại để thành lập Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Cao Lan. Các thành viên trong Câu lạc bộ đã cùng nhau tập luyện và tham gia phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các hoạt động chung của thôn, của xã.
Đến năm 2021, từ nguồn kinh phí hỗ trợ 40 triệu đồng để thành lập mới và 3 triệu đồng/năm để duy trì hoạt động theo nghị quyết của HĐND tỉnh, chúng tôi đã thành lập Đội văn nghệ dân gian dân tộc Cao Lan. Nguồn hỗ trợ này là động lực để các thành viên có điều kiện tập luyện các tiết mục tốt hơn, góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc và phục vụ đa dạng nhu cầu của khách du lịch”.
>> Nhiều hoạt động phát triển du lịch xanh
>> Nghĩa Lộ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch dịp cuối năm
>> Giải pháp để phục hồi du lịch Yên Bái sao bão số 3
>> Tạo động lực cho hoạt động du lịch từ Nghị quyết 10
Cùng với Đội văn nghệ dân gian dân tộc Cao Lan, các đội văn nghệ phục vụ du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động rộng khắp tại các địa phương đã góp phần hiệu quả nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch phục vụ du khách và thu nhập cho người dân. Chị Hà Thị Chinh – chủ homestay Cương Chinh, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Mỗi khi du khách có nhu cầu, chúng tôi sẽ mời các đội văn nghệ, câu lạc bộ văn hóa dân gian trong thôn đến biểu diễn, giao lưu với mong muốn mang đến cho khách những trải nghiệm tốt nhất về bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương”.
Đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 10, nhiều tổ chức, cá nhân được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch từ Nghị quyết đã sử dụng có hiệu quả các nội dung hỗ trợ góp phần phát triển các sản phẩm du lịch, cung cấp dịch vụ du lịch tại địa phương. Toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 270 hồ sơ của các tổ chức, cá nhân đề nghị thụ hưởng các chính sách với tổng kinh phí trên 5,73 tỷ đồng. Trong đó, thành lập mới 231 hồ sơ, duy trì các đội văn nghệ trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ thành lập lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ duy trì làng nghề phát triển du lịch; hỗ trợ tổ thu gom rác thải cùng các lớp đào tạo nhân lực du lịch…
Tỉnh đã tập trung xây dựng thương hiệu du lịch Yên Bái, hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị. Đồng thời, mở thêm nhiều tour du lịch hấp dẫn như: kỳ nghỉ dưỡng đẳng cấp giữa núi rừng Tây Bắc; Thân khỏe – Tâm An; Từ trải nghiệm đến bàn ăn; Cưỡi sống lưng rồng bạo chúa và khám phá rừng rêu bí ẩn; xây dựng tuyến du lịch “1 cung đường, 5 điểm đến” theo cung đường Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) – Bắc Yên (tỉnh Sơn La); xây dựng tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng – Hà Nội – Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai; các sản phẩm tour du lịch ruộng bậc thang… Qua đó, góp phần quan trọng tạo thành những mắt xích bền chặt để Yên Bái luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Anh Đình Quý đến từ Hà Nội thể hiện sự thích thú khi đến với tỉnh Yên Bái: “Đây là lần thứ 3 tôi đến với tỉnh Yên Bái. Lần đầu đến chúng tôi chọn địa điểm là hồ Thác Bà – nơi sở hữu vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, không gian thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ cùng những bản làng dân tộc với nét văn hóa độc đáo. Rồi sau đó, tôi có cơ hội đến Mường Lò – Nghĩa Lộ, được tham gia vào vòng xòe bất tận – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nên vô cùng ấn tượng. Và lần này, có mặt tại huyện Trạm Tấu, được tận hưởng cảm giác thư giãn tại khu suối khoáng nóng tự nhiên và săn mây trên đỉnh Phình Hồ, tôi và các thành viên trong gia đình rất thích bởi sự yên bình, tĩnh lặng, mang hơi hướng chữa lành. Đường lên Yên Bái từ Hà Nội giờ rất thuận tiện nên chắc chắn có cơ hội tôi sẽ tiếp tục khám phá vẻ đẹp của mảnh đất này”.
Du khách nước ngoài thích thú khi tham gia trải nghiệm gặt lúa tại huyện Trạm Tấu
Thống kê từ năm 2021 đến năm 2023, Yên Bái đã đón 4.470.700 lượt khách, trong đó khách quốc tế 179.446 lượt (lượt khách tăng trưởng bình quân qua các năm là 40,1%,). Doanh thu vượt 14,7% so với mục tiêu năm 2025, tăng 3,5 lần so với năm 2021. Tỷ lệ buồng tại cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn từ ba sao trở lên đạt 27,1% so với mục tiêu năm 2025, tăng 23,2% so với năm 2021.
Riêng 10 tháng năm 2024, số khách du lịch đến với tỉnh Yên Bái đạt 1,114 triệu lượt, tăng hơn 51,58% so với cùng kỳ. Khách du lịch theo tour tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến đến hết năm 2024, tỉnh sẽ đón 1,7 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, trong đó có 300.000 lượt khách quốc tế; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 1.500 tỷ đồng. Du lịch phát triển đã tạo việc làm cho 8.400 lao động, tăng 12% so với năm 2021, đạt 67,2% so với mục tiêu năm 2025.
Với mục tiêu đưa du lịch Yên Bái phát triển toàn diện, nhanh, bền vững, mới đây, HĐND tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 81 quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2024 – 2030, có hiệu lực từ ngày 10/10/2024. Nghị quyết gồm 12 chính sách cụ thể liên quan đến hỗ trợ xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; mua sắm trang thiết bị; thưởng cho các thôn, bản, du lịch cộng đồng được tỉnh công nhận.
Cùng với đó là hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch và hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; hỗ trợ kinh phí thành lập và duy trì hoạt động đội văn nghệ quần chúng phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại các thôn, bản, tổ dân phố có hoạt động du lịch cộng đồng; hỗ trợ duy trì, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch…
Nghị quyết sẽ thêm một lần nữa là “cú huých” mạnh mẽ cho phát triển du lịch, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đồng thời bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, quảng bá những sản phẩm du lịch của Yên Bái tới du khách trong và ngoài nước.
Có thể khẳng định, những kết quả sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10 cùng những chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2024 – 2030 vừa được HĐND tỉnh thông qua sẽ là cơ sở, là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, nắm bắt những cơ hội thuận lợi và nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, từng bước đưa Yên Bái vươn tới mục tiêu phát triển du lịch xanh gắn với bản sắc văn hóa, “định vị” là điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá Tây Bắc của du khách trong và ngoài nước.
Thanh Chi
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/226/331370/Dinh-vi-thuong-hieu-du-lich-Yen-Bai-tu-nhung-chinh-sach-kha-thi.aspx