Tại phiên họp đầu tiên để thảo luận phương án lương tối thiểu vùng năm 2024, đại diện tổ chức Công đoàn mong muốn điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng 5-6%.
|
Sáng 9/8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp phiên thứ nhất để thảo luận, thương lượng về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024.
Thành viên chủ chốt của hội đồng gồm lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Là thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia, ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban Chính sách, pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã báo cáo kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023, do Ban Chính sách – Pháp luật và Viện Công nhân và Công đoàn phối hợp thực hiện, để cho thấy bức tranh đời sống của công nhân lao động.
Đại diện phía người lao động chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, tuy vậy cũng mong muốn điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2024 để bù đắp chỉ số trượt giá để duy trì tiền lương thực tế cho người lao động, với mức đề xuất tăng 5-6%.
Nêu lý do đề xuất, ông Lê Đình Quảng cho hay, trong bối cảnh hiện nay, đời sống người lao động gặp rất nhiều khó khăn, nhất là hơn một năm qua, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao so với trước đây.
Việc xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu cũng phải tính tới khả năng chi trả của doanh nghiệp, bởi, phải vừa đảm bảo động viên người lao động làm việc có năng suất, chất lượng, làm sao để tiền lương thực sự là động lực cải thiện điều kiện làm việc, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhưng cũng hài hòa với khả năng chi trả.
Mới đây, theo kết quả khảo sát với gần 3.000 lao động ở 4 vùng với các loại hình doanh nghiệp do Tổng Liên đoàn thực hiện, có 17,3% công nhân lao động được khảo sát phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% trong số đó thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an.
Có 52,3% người lao động có làm thêm giờ, số ngày làm thêm giờ trung bình 1 tháng là 10,71 ngày; số giờ làm thêm trung bình 1 ngày là 1,75 giờ. Bên cạnh đó, có 76,2% người lao động tham gia khảo sát tình nguyện làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Thu nhập trung bình của 2.982 người lao động khảo sát đạt hơn 7,8 triệu đồng/tháng, trong đó tiền lương cơ bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập hàng tháng; 23,3% khác đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của doanh nghiệp.
Có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu.
Chỉ có 8,1% người lao động có dư tích lũy từ tiền lương và thu nhập; 11,2% không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập.
Tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của 53,7% người lao động và quyết định sinh con của 72,0% người lao động.
Có tới 17,6% người lao động không sống cùng con dưới 18 tuổi vì lý do tiền lương thấp và 2,2% người lao động chưa từng mua sữa công thức (sữa bột) cho con dưới 6 tuổi và chỉ có 37,7% người lao động có tiền lương đủ để đảm bảo 100% nhu cầu học tập của con.
Chỉ có 26,2% người lao động có điều kiện để ăn thịt, cá trong các bữa ăn hàng ngày; 10,3% người lao động tham gia khảo sát cho biết với thu nhập hiện nay họ ít khi (1 lần/tuần) có điều kiện để ăn thịt, cá trong bữa ăn tại gia đình.
(Theo ANTĐ)