YênBái – Năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của Yên Bái tăng 9,23% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp đóng góp 22,27% GRDP trên địa bàn; dự ước đến hết năm 2023, con số này là khoảng 23,5% .
Dây chuyền sản xuất chế biến đá của Công ty RK Việt Nam tại thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên
|
>> Tiền đề quan trọng để Yên Bái hoàn thành mục tiêu sản xuất công nghiệp năm 2023
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: “phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững”. Sau hơn 2 năm thực hiện, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid – 19; lạm phát, suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; nguồn cung ứng năng lượng có thời điểm không đảm bảo, giá nguyên, nhiên, vật liệu biến động; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp… song ngành công nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng khá, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nghị quyết đều hoàn thành.
Cụ thể, quy hoạch và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp để đến năm 2030, tỉnh sẽ có 9 khu công nghiệp với diện tích 2.080 ha, 16 cụm công nghiệp với diện tích 1.288 ha. Đến nay, đã bổ sung và thu hút một số doanh nghiệp có năng lực vào đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp như Khu công nghiệp Trấn Yên, các cụm công nghiệp: Minh Quân, Phú Thịnh 1, Phú Thịnh 2, Phú Thịnh 3.
Đồng thời, tỉnh cũng thu hút được 33 dự án có quy mô khá, máy móc tiên tiến hiện đại vào các khu, cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 5.685 tỷ đồng; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 83,2%, các cụm công nghiệp đạt trên 40%.
Hạ tầng điện được tập trung đầu tư, đảm bảo cung ứng điện, an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Lưới điện nông thôn được phủ tới 98% số hộ. Công nghiệp nông thôn có bước phát triển khá, nhiều cơ sở sản xuất nông thôn được thành lập đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, nhất là người dân khu vực đồng bào dân tộc, góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Cơ cấu nội ngành tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, trong đó tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng giảm từ 7,04% năm 2021 xuống 6,76% năm 2022; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 79,48% năm 2021 lên 79,69% năm 2022; ngành công nghiệp sản xuất, phân phối điện nước tăng từ 12,88% năm 2021 lên 12,93% năm 2022.
Năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,23% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp đóng góp 22,27% GRDP trên địa bàn. Dự ước đến hết năm 2023, con số này là khoảng 23,5%.
Mạnh Cường