Người Việt có một mối giao cảm sâu đậm với thiên nhiên trong lời ca tiếng hát. Âm vang những bài ca nhắc người nghe thuộc lòng Tây Nguyên có cây kơnia, Nam Bộ có bóng dừa, Hà Nội xanh um tán sấu… Những câu hát về các loài cây đặc biệt của quê hương đã gợi nhớ đến nhiều dân tộc trên đất nước Việt Nam. Nhờ sức lan truyền của lời ca và giai điệu, những tán xanh từ Bắc vào Nam đã làm nên biểu tượng văn hóa của mỗi vùng miền.
Tập quán định cư gắn với trồng trọt từ lâu đời đã tạo ra nét văn hóa gắn bó với hệ thực vật, trong đó cảm thức về cây thiêng, nơi trú ngụ của thần linh hay nơi lưu giữ hồn làng, dáng quê đã giúp nghệ thuật tìm đến.
Vùng biên viễn phía Bắc là địa bàn của những loài cây quý như hồi, quế, cũng như những cây hoa quen thuộc như đào, mơ, mận đều đã được hát lên. Đã từ lâu, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng kể về loài cây nổi tiếng quê hương mình qua Hương hồi xứ Lạng (Ngô Quốc Tính), còn người Dao ở Yên Bái đã quen với Trăng sáng trên rừng quế (Trọng Loan), hay người Mông cùng người Kinh, người Dao, người Giáy bay bổng với một Sa Pa thành phố trong sương (Vĩnh Cát): “Ta gặp nhau vườn thơm quả chín, anh tặng em một cành mận tím, gửi ra tiền phương hạt giống rau em trồng, gửi tới biên cương cả tình em yêu thương”.
Sắc tím của trái mận đã thành điểm nhấn trữ tình cho chốn du lịch nổi tiếng. Những loài cây và loài hoa miền biên giới hiện diện trong âm nhạc đã rút ngắn khoảng cách với miền xuôi, gợi ra những nét văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau, gắn kết trong khung cảnh tình tự cùng đất nước: “Em ơi, có nơi nào đẹp hơn, chiều biên giới khi mùa đào hoa nở, khi mùa sở ra cây.” (Chiều biên giới – Trần Chung, thơ Lò Ngân Sủn).
Vùng Tây Nguyên, nơi có độ che phủ cao của rừng dọc dãy Trường Sơn, nơi sinh sống của khoảng 18 dân tộc tại chỗ như Bana, Gia Rai, Ê Đê, M’Nông, Cơ Ho, Mạ…, đã tạo ra đời sống gắn bó với những cây cổ thụ được thiêng hóa.
Người muôn nơi nhớ về Tây Nguyên với hình ảnh cây Pơlang, tức hoa gạo hay hoa mộc miên, “đẹp nhất rừng Tây Nguyên” (Em là hoa Pơlang – Đức Minh) và cây Kơnia đã thành ẩn dụ huyền thoại với “rễ cây uống nước đâu, uống nước nguồn miền Bắc” (Bóng cây Kơnia – Phan Huỳnh Điểu, thơ Ngọc Anh) của người Tây Nguyên. Ngày nay, nhắc đến Tây Nguyên, người ta nghĩ ngay đến cây cà phê với những bài hát đầy chất “rock rừng” như Ly cà phê Ban Mê (Nguyễn Cường).
Hình bóng những làng quê châu thổ Bắc Bộ không thể thiếu cây đa đầu làng, cây gạo bến đò hay cây bồ đề sân chùa. Cây đa làm hẳn một làn điệu quan họ nổi tiếng – Lý cây đa: “Trèo lên quán dốc ngồi gốc ối a cây đa, rằng tôi lý ối a cây đa… Ai đem ôi à tính tang tình rằng, cho đôi mình gặp xem hội cái đêm trăng rằm…”. Âm vang bài quan họ dẫn người nghe về với những cây đa bên quán nghỉ đầu làng triền dốc ven đê những dòng sông thi ca như sông Cầu, sông Đuống…
Từ vai trò mốc địa phận, bóng đa cổ thụ tạo ra khung cảnh trữ tình của làng quê, là điểm tựa cho cảm xúc người tha hương nhớ về quê nhà: “Giếng nước gốc đa nhớ người trai làng ra lính” (Tình đồng chí – Minh Quốc, thơ Chính Hữu).
Những lũy tre xanh, những bóng cau vườn nhà gần gũi, đan dệt những âm hưởng của gió xào xạc trong âm nhạc. Những rặng tre vừa có tác dụng như thành lũy che chắn làng xóm, vừa là nguồn vật liệu xây nhà, vì vậy người Việt nông thôn hát về Làng tôi là hát về những bóng dáng thân yêu này: “Làng tôi sau lũy tre mờ xa, tình quê yêu thương những nếp nhà” (Hồ Bắc). Bóng cây trong những bài hát dịu dàng mà gan góc đã thành nguồn động viên to lớn cho người Việt suốt những năm dài kháng chiến.
Tạp chí Heritage