YênBái – Sau 5 năm thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Sình ca thôn Đồng Chùa, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Cao Lan ở địa phương.
Tiết mục “Một góc đồng quê” của Câu lạc bộ Sình ca thôn Đồng Chùa tham gia Liên hoan Tiếng hát người cao tuổi huyện Yên Bình tháng 6, năm 2023.
|
>> “Bảo tàng sống” của đồng bào Cao Lan
Bà Lương Thị Thế – Chủ nhiệm CLB Sình ca thôn Đồng Chùa chia sẻ: “Thành lập từ năm 2018, đến nay CLB có 28 thành viên đều là người trong thôn. Ngay sau khi thành lập đi vào hoạt động, CLB được các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã ủng hộ hỗ trợ mua sắm các loại nhạc cụ, đạo cụ, trang phục biểu diễn.
Duy trì hoạt động vào các buổi tối thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần, CLB tập trung chủ yếu trong việc gìn giữ trang phục truyền thống, tiếng nói và các điệu hát, múa của dân tộc Cao Lan. Lợi thế của CLB là có nhiều người cao tuổi trong thôn cùng tham gia sinh hoạt, bởi họ không chỉ am hiểu về văn hóa truyền thống của người Cao Lan mà còn thuộc nhiều điệu múa truyền thống và đặc biệt là Sình ca. Nhờ vậy mà việc truyền dạy các điệu múa, hát được thuận lợi…”.
Xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình có 9 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Cao Lan chiếm hơn 1/3 dân số toàn xã.
Xác định việc giữ gìn, phát triển văn hóa cùng với phát triển kinh tế – xã hội là hết sức quan trọng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã đã đưa ra nhiều giải pháp phù hợp nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát triển những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cao Lan. Trong đó, thành viên CLB Sình ca luôn tích cực, làm tốt công tác tuyên truyền, giúp bà con dân tộc Cao Lan hiểu rõ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình; vận động người dân mặc trang phục truyền thống của dân tộc trong những dịp lễ, tết, ngày hội; dạy con, cháu nói tiếng dân tộc mình; tổ chức luyện tập hát Sình ca và các điệu múa dân tộc cho các thành viên, người biết dạy cho người chưa biết, tự học hỏi lẫn nhau, dần dần nhiều thành viên đã hát, múa thành thạo và tham gia giao lưu, biểu diễn tại các hội thi, hội diễn của xã, của huyện.
Để hoạt động hiệu quả, các thành viên CLB đóng góp xây dựng quỹ hoạt động, mua sắm thêm trang phục, đạo cụ, dụng cụ biểu diễn; sưu tầm các làn điệu Sình ca cổ, tự biên và đặt lời cho các bài hát mới.
Từ bao đời nay, Sình ca đã giữ một vị trí quan trọng, trở thành linh hồn trong văn hóa của người Cao Lan. Những điệu Sình ca cất lên thay tiếng lòng, khát khao một cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Trong tiếng Cao Lan, Sình ca hay Sịnh ca có nghĩa là “thần”, “chúa” và cũng có thế hiểu là “xướng” – hát lên. Hát Sình ca là một thể loại dân ca trữ tình, mang đậm màu sắc văn hóa dân gian của người Cao Lan.
Người Cao Lan thường tổ chức hát Sình ca trong dịp lễ hội đầu xuân mới tại sân đình, nhà văn hóa. Ban đêm hát Sình ca phong phú, đặc sắc hơn, thể hiện đầy đủ các cung bậc cảm xúc của người Cao Lan. Ngoài những đêm hát Sình ca bên bếp lửa, trai gái Cao Lan còn đối giao duyên ở đình làng, ruộng nương, thể hiện tình ý lứa đôi, ẩn sâu bên trong những điệu Sình ca chính là mong ước một cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
“Sình ca là lối hát đối, hát giao duyên giữa nam và nữ, hay tốp nam và tốp nữ. Người Cao Lan hát Sình ca trong nhiều dịp như đám cưới, ngày lễ tết, hát ru con. Điệu Sình ca thể hiện những khát vọng về cuộc sống hạnh phúc. Sâu xa hơn, Sình ca mang giá trị nhân văn sâu sắc, phản ánh chân thực cuộc sống hiện tại và một phần về thế giới tâm linh của người Cao Lan. Các thành viên CLB cũng chú trọng viết lời mới cho làn điệu Sình ca như hát mừng đám cưới, xây dựng nông thôn mới, ca ngợi quê hương đổi mới…”. Chủ nhiệm CLB Sình ca thôn Đồng Chùa cho biết thêm.
Bằng tình yêu và sự tâm huyết, các thành viên CLB Sình ca thôn Đồng Chùa, xã Vĩnh Kiên đã và đang tích cực góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc người Cao Lan trên địa bàn.
Vũ Đồng