YênBái – Dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Bảo tàng tỉnh Yên Bái là nơi mà nhiều người chọn làm điểm dừng chân. Gian trưng bày những tài liệu và hiện vật giai đoạn Cách mạng Tháng Tám của Bảo tàng nằm trên gác hai, tuy không rộng, không nhiều hiện vật nhưng bài trí khoa học và trang trọng, giúp người thăm quan, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ thêm một thời sục sôi cách mạng.
Nhiều bạn trẻ thăm quan Bảo tàng tỉnh Yên Bái để hiểu thêm về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc.
|
>> Yên Bái với bảo tàng ảo công nghệ 3D
Ấn tượng đầu tiên là lá cờ đỏ sao vàng đã nhuốm màu thời gian, càng đặc biệt hơn khi mỗi chúng ta đọc dòng chữ thuyết minh phía dưới: “Quốc kỳ, mảnh vải satin thu được của Nhật, được thanh niên khu phố Lê Dương, Yên Bái may thành cờ năm 1945”.
Có lẽ rất nhiều người sẽ không biết khu phố Lê Dương thời ấy là đường Thanh Niên, Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám… hay con đường nào khác của thành phố hôm nay, nhưng dù có là tuyến đường nào của “thành phố đáng sống và hạnh phúc” này thì cũng đã khác xưa nhiều lắm.
Hơn nửa thế kỷ thoát khỏi ách đô hộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc sống của người dân đã giàu mạnh, no đủ hơn xưa ngàn vạn lần. Đã có nhiều đổi thay nhưng truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ vẫn được hun đúc.
Ngày ấy, thanh niên Yên Bái dũng cảm cướp súng giặc để đánh giặc, lấy vải của giặc để may cờ Tổ quốc thì thanh niên hôm nay rèn đức luyện tài, trở thành đội hậu bị tin cậy, cánh tay đắc lực của Đảng; chung sức, đồng lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm rạng danh non sông Việt Nam.
Ngay dưới lá Quốc kỳ huyền thoại, đẫm máu đào cha ông là chân dung 6 vị tiền bối cách mạng, những đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, những đồng chí Trần Đức Sắc, Mai Văn Ty, Ngô Minh Loan… với bầu nhiệt huyết cách mạng, vượt núi, băng rừng, bất chấp hiểm nguy trước súng ống, đạn dược của kẻ thù để lãnh đạo quần chúng nhân dân, chỉ huy Đội du kích Âu Cơ chiến đấu và chiến thắng nhiều trận, giành chính quyền về tay nhân dân khắp các vùng Nghĩa Lộ, Trấn Yên, thị xã Yên Bái.
Chiếc cặp da màu nâu đã cũ kỹ, sờn rách của đồng chí Văn Cao, cán bộ Việt Minh (Tỉnh bộ Việt Minh Yên Bái) dùng đựng tài liệu trong quá trình đàm phán với Quốc dân Đảng ở Yên Bái, năm 1945 đã gây ấn tượng mạnh cho người tham quan và nhắc nhớ chúng ta: lớp lớp thế hệ cha ông đi trước đã khó khăn, vất vả, thiếu thốn đến nhường nào nhưng vẫn hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đức hy sinh, tinh thần trách nhiệm với công việc được giao của lớp cán bộ tiền bối trở thành bài học lớn cho lớp lớp cán bộ hiện nay.
Gian trưng bày còn có những thanh kiếm lá lúa của người dân Trấn Yên, thanh mã tấu của người dân Lục Yên, mõ cá của người dân Đại Đồng (Yên Bình) sử dụng trong quá trình giành chính quyền cách mạng tại phủ lỵ Yên Bình và cả khẩu súng trường, vũ khí trang bị cho Đội du kích Âu Cơ chống Pháp, giai đoạn 1944 – 1945…
Tất cả đều rất thô sơ nhưng quân và dân Yên Bái vẫn khiến những tên lính Pháp, lính Nhật và bè lũ tay sai được trang bị vũ khí hiện đại phải thua trận, phải khiếp sợ và đầu hàng, buộc chúng phải giao chính quyền về tay nhân dân. Qua đó, mỗi chúng ta càng thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh của quần chúng nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; hiểu sâu sắc về ý chí tự lực tự cường và độc lập dân tộc…
Một phần trong gian trưng bày của Bảo tàng Yên Bái là những hiện vật và tư liệu về Cuộc khởi nghĩa Yên Bái với những chí sĩ yêu nước Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính… Cuộc khởi nghĩa đã chìm trong biển máu nhưng tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam mãi còn đó với câu nói “Không thành công cũng thành nhân” đã lột tả khí phách của mộ dân tộc yêu nước và luôn có khát vọng độc lập và hùng cường.
Nhiều bạn trẻ từ các Trường THPT: Nguyễn Huệ, Nguyễn Tất Thành và Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái đã đến tham quan Bảo tàng Yên Bái. Các em bày tỏ mong muốn được hiểu rõ hơn về lịch sử cha ông thông qua những tư liệu, hình ảnh và hiện vật được trưng bày. Vinh dự lắm với truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam; tự hào lắm vì chúng ta có Đảng soi đường chỉ lối; hạnh phúc lắm khi chúng ta là một nước tự do và độc lập. Và nền tự do – độc lập ấy phải đánh đổi bằng máu xương cha ông!
Tấn Đạt