YênBái – Say sưa với từng câu hát, điệu múa, Nghệ nhân Âu Thị Chính dành hết nhiệt huyết để truyền dạy cho các “học sinh” của mình, già có trẻ có, những mong có thêm nhiều người biết để không mai một giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nhiệt huyết ấy của bà đã lan tỏa niềm tự hào cho lớp trẻ người Cao Lan.
Nghệ nhân Ưu tú Âu Thị Chính truyền dạy văn hóa dân gian dân tộc Cao Lan cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Yên Bình.
|
>> Đi theo câu hát Xịnh ca
>> Nét riêng trong sịnh ca Cao Lan
>> Nghe hát Sình ca
Là người Cao Lan chính gốc, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thấm đẫm sắc màu văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) vùng Đông hồ Thác Bà của huyện Yên Bình, chẳng biết từ khi nào, những điệu dân vũ, những câu hát giao duyên đã thấm vào tâm hồn, vào máu thịt…, để rồi gần nửa cuộc đời mình, bà Âu Thị Chính ở thôn xã Ngòi Tu, xã Vũ Linh dành toàn tâm toàn lực truyền dạy văn hóa dân gian dân tộc Cao Lan cho các thế hệ trẻ trong và ngoài xã, trở thành một trong số không nhiều những người am tường văn hóa dân gian các dân tộc của tỉnh Yên Bái được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Danh hiệu ấy với bà Âu Thị Chính quả như một giấc mơ. Bởi, khi đam mê, nhiệt huyết làm công việc truyền dạy cho các cháu học sinh trong xã, hay các cô, các chị trong thôn, xã những điệu múa phát nương, giã cốm, xúc tép…, hay những câu hát giao duyên, Sình ca của dân tộc Cao Lan, bà chưa khi nào nghĩ tới danh hiệu cao quý ấy.
Bà Chính chia sẻ: “Cái thời trước đây khó khăn, ti vi, đài điện chưa có nên ngày nhỏ (khi ấy chừng 11, 12 tuổi), tôi thường theo các chị lớn đi xem tập văn nghệ, nghe các anh chị trong làng hát lời tỏ tình yêu đương bằng tiếng của dân tộc Cao Lan mình, bởi thế mà cũng biết được ít nhiều. Thời con gái cũng thích đi hát, đi múa, tham gia các hoạt động văn nghệ của xã, của thôn… lâu dần thành đam mê”.
Được biết, trước khi trở thành Nghệ nhân Ưu tú, bà Âu Thị Chính đã có hơn 20 năm âm thầm tự nguyện làm công việc truyền dạy văn hóa, khôi phục và trình diễn nghệ thuật dân gian dân tộc Cao Lan ở địa phương.
“Mình tự nguyện làm nên thấy vui với công việc đó. Phần vì cái “máu văn nghệ” yêu thích hát múa, song cũng trăn trở lắm khi ngày càng có nhiều con trẻ ít nói tiếng Cao Lan, ít biết đến các điệu múa, bài hát của ông bà mình xưa kia để lại. Nghĩ là làm, các buổi tối cuối tuần, tôi vận động các cô, các chị, các cháu lứa tuổi học sinh ở địa phương tham gia tập luyện các điệu múa truyền thống và học các bài hát bằng tiếng Cao Lan. Ban đầu cũng ít người tham gia, nhưng dần dần có thêm nhiều cô, nhiều chị giống mình cũng thích hát, thích múa nên khích lệ được cả các cháu học sinh và người lớn tuổi cùng tham gia. Tuy rất mất thời gian và công sức nhưng bù lại có thêm nhiều người biết về văn hóa dân tộc của mình để lưu giữ, truyền dạy, nhất là lớp trẻ nên tôi cũng thấy vui bởi việc mình làm có ý nghĩa. Hạnh phúc nhất là chồng và các con rất ủng hộ, dù có những dịp hội diễn, mình lên huyện tham gia tập luyện, biểu diễn cả tuần…” – bà Chính bộc bạch.
“Mưa dầm thấm lâu”, như con ong rừng cần mẫn dâng mật ngọt cho đời, sự cống hiến thầm lặng tưởng như “rỗi hơi, rỗi việc” của bà đã đặt nền tảng cho sự ra đời của Đội văn nghệ dân gian dân tộc Cao Lan thôn Ngòi Tu nói riêng, sự phát triển mạnh mẽ của phong trào văn hóa văn nghệ xã Vũ Linh nói chung. Bà Chính tự hào lắm vì kỳ hội diễn nghệ thuật quần chúng năm nào huyện tổ chức, Đội văn nghệ của thôn do bà phụ trách đều được tham gia và đã từng đạt Huy chương Vàng với nhiều tiết mục múa đặc sắc như múa xúc tép… Không chỉ giao lưu với các thôn, các xã trong huyện, Đội văn nghệ dân gian dân tộc Cao Lan thôn Ngòi Tu còn tham gia biểu diễn phục vụ các sự kiện của xã, của huyện; được mời tham gia giao lưu biểu diễn tại các địa phương lân cận của tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên.
Theo bà Chính: “Bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số chính là sợi dây kết nối khách du lịch khi du lịch ở Vũ Linh phát triển và ngày càng có nhiều khách du lịch nước ngoài tham gia trải nghiệm và nghỉ dưỡng tại địa phương. Họ rất thích văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS ở đây và chúng tôi cũng rất tự hào khi được các đoàn khách du lịch nước ngoài mời biểu diễn những điệu múa truyền thống của dân tộc Cao Lan. Điều này càng thêm khích lệ đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương nâng cao ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.
Ông Lê Đức Huân – chuyên viên Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Yên Bình, người đồng hành, luôn theo sát hoạt động của các lớp truyền dạy lĩnh vực văn hóa phi vật thể cùng các nghệ nhân trong huyện chia sẻ: “Nghị quyết số 10 ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh với nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 được triển khai thực hiện, trong đó có chính sách hỗ trợ truyền dạy trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể và hỗ trợ duy trì, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch là điều kiện vô cùng thuận lợi, đặt nền tảng vững chắc cho việc bảo tồn và lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn; đồng thời, khích lệ được các nghệ nhân như ông Hoàng Hữu Định, dân tộc Dao, xã Yên Thành; bà Âu Thị Chính – dân tộc Cao Lan, xã Vũ Linh… thêm tâm huyết đóng góp cho lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các DTTS trong huyện. Tiếng nói, chữ viết, các lễ hội, phong tục truyền thống và các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện được bảo tồn, phục dựng, trở thành nguồn tài nguyên thúc đẩy phát triển du lịch ở các địa phương. Riêng năm 2024, huyện Yên Bình đã tổ chức được 8 lớp truyền dạy trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể do các nghệ nhân và người am hiểu văn hóa dân gian các dân tộc của huyện trực tiếp truyền dạy”.
Say sưa với từng câu hát, điệu múa, Nghệ nhân Âu Thị Chính dành hết nhiệt huyết để truyền dạy cho các “học sinh” của mình, già có trẻ có, những mong có thêm nhiều người biết để không mai một giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nhiệt huyết ấy của bà đã lan tỏa niềm tự hào cho lớp trẻ người Cao Lan.
Em Hoàng Gia Bảo Ngọc – thôn Ngòi Vồ, xã Tân Hương, học sinh lớp 9, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Yên Bình chia sẻ: “Em rất vui khi được tham gia lớp truyền dạy văn hóa dân gian dân tộc Cao Lan do Nghệ nhân Âu Thị Chính giảng dạy. Qua lớp học này giúp em biết thêm nhiều hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ tiếng nói đến các điệu dân vũ, những bài hát đối đáp của trai gái… Em tự hào về điều này và sẽ chia sẻ đến nhiều bạn bè của mình để cùng nhau bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc”. Đây là lớp thứ 2 Nghệ nhân Ưu tú Âu Thị Chính trực tiếp tham gia truyền dạy trong năm 2024 và là lớp thư 4 bà được huyện mời tham gia truyền dạy trong 2 năm qua.
Ở tuổi 62, vẫn say trong câu hát Sình ca, say trong vũ điệu trỉa bắp, xúc tép của người Cao Lan và cần cù với công việc đồng áng, với Nghệ nhân Âu Thị Chính – còn sức là còn nhiệt huyết cống hiến.
Minh Thúy
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/16/344942/Nguoi-giu-hon-van-hoa-Cao-Lan.aspx