YênBái – Với nguồn nguyên liệu sạch, đặc trưng từ thổ nhưỡng, khí hậu; cách chế biến độc đáo, mang bản sắc văn hóa riêng biệt cùng những hỗ trợ trong công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu, các sản phẩm chè Yên Bái đã từng bước gây dựng được uy tín, định vị được thương hiệu địa phương giữa vô vàn các sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường.
Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm chè Shan tuyết của Hợp tác xã Suối Giàng.
|
>> Hợp tác xã Suối Giàng – điểm sáng kinh tế tập thể
>> Hợp tác xã Suối Giàng: Chuyển đổi số đến tận… gốc chè!
Hơn 3 năm qua, cứ gần tết, anh Phạm Anh Tuấn ở thành phố Hải Phòng lại nhờ người quen ở huyện Văn Chấn mua cả chục ki-lô-gam chè Suối Giàng vừa để gia đình sử dụng vừa để làm quà biếu.
Anh Tuấn chia sẻ: “Tôi không sành sỏi về chè nhưng lại thích uống chè. Một lần về nhà người thân ở huyện Văn Chấn rồi lên xã Suối Giàng du lịch, được tận mắt chứng kiến người dân thu hái, chế biến chè từ những cây chè cổ thụ có tuổi đời cả vài trăm năm rồi lại được thưởng thức và học cách pha trà theo người địa phương, tôi chuyển hẳn sang dùng chè Suối Giàng. Tất cả từ hương vị, mẫu mã cho đến giá cả đều tuyệt vời”.
Không chỉ chè Suối Giàng, các sản phẩm chè khác của Yên Bái cũng đang dần chiếm được thị hiếu của người tiêu dùng và thị phần trên thị trường. Yên Bái có vùng chè nguyên liệu rộng tới trên 7.400 ha, trong đó có khoảng 1.200 ha chè Shan hữu cơ; 2 vùng chè ở xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn) và xã Phình Hồ (huyện Trạm Tấu) đã được xác lập bảo hộ chỉ dẫn địa lý, được đánh giá là một trong những vùng chè nguyên liệu ngon nhất Việt Nam. Chưa kể, với cách chế biến độc đáo, từ thời điểm thu hái, cách hái đúng quy trình, quy cách cùng ứng dụng công nghệ lên men và chế biến theo phương pháp truyền thống đã tạo ra nhiều loại trà mang hương vị riêng biệt.
Đến nay, tỉnh có 31 sản phẩm chế biến từ nguyên liệu chè Yên Bái đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có tới 14 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, chiếm tới 48% số sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh. Các sản phẩm chè Yên Bái còn được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Anh, EU, Trung Đông… Trung bình mỗi năm, Yên Bái thu hoạch trên 68.000 tấn chè búp tươi, xuất bán ra thị trường hơn 15.500 tấn chè khô thành phẩm, trị giá trên 850 tỷ đồng.
Để có được những kết quả trên, từ nhiều năm nay, tỉnh đã xây dựng chiến lược phát triển ngành chè. Những đồi chè trung du già cỗi, kém chất lượng đã được hỗ trợ trồng cải tạo, dần thay thế bằng các giống chất lượng cao; các gốc chè Shan cổ thụ được khoanh vùng bảo vệ; đồng bào vùng cao được hướng dẫn, đào tạo, trang bị kiến thức và thu mua chè búp tươi với giá trị cao hơn. Đặc biệt, tỉnh còn xây dựng cơ chế, chính sách cho liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, chứng nhận sản phẩm, xúc tiến thương mại…
Anh Giàng Nhà Lếnh ở bản Tà Chử, xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu tâm sự: “Trước khi có Hợp tác xã (HTX) Trà Shan tuyết Phình Hồ, chúng tôi chủ yếu bán cho thương lái với giá từ 8.000 đến 16.000 đồng/kg. Nhưng nay, liên kết với HTX, được hướng dẫn cách chăm sóc, bảo vệ cây chè, thời điểm, cách thức thu hái đúng quy trình, quy chuẩn nên giá bán tăng lên 25.000 – 35.000 đồng/kg. Một năm thu hái 4 vụ, thu về 100 triệu đồng. Mất công hơn đấy nhưng thu nhập cao hơn”.
Hiện nay, sản phẩm chè Shan Phình Hồ sau 2 năm ra mắt đã dần chiếm được thị phần trong nước và có chiến lược tiến tới xuất khẩu trong 4 năm tới. Ngoài ra, còn có các sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng với thương hiệu Sugi Tea của HTX Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng đã có chứng nhận ECOCERT, tiêu chuẩn ORGANIC của châu Âu, có chỉ dẫn địa lý, có mã số vùng trồng, có ISO trong sản xuất… tương đương đã có “giấy thông hành” đến được 26 nước trên thế giới và đang trên lộ trình tiếp tục phấn đấu lên 5 sao.
Sản phẩm chè của HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (huyện Văn Chấn) cũng đạt các chứng nhận tiêu chuẩn: RA (Rainforesr Alliance) từ năm 2015 và ISO 22000:2018, HACCP, FDA vào năm 2020. Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái cũng tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa trong nước và nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Các doanh nghiệp, HTX chế biến chè còn năng động, sáng tạo tham gia các kênh như: trải nghiệm khách hàng, thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới hay đưa vào khách sạn 5 sao, hệ thống sân bay… để thúc đẩy tiêu thụ bên cạnh các kênh phân phối truyền thống.
Rõ ràng, bằng chất lượng sản phẩm, sự hỗ trợ của tỉnh, sự chủ động, sáng tạo của chủ thể sản xuất, các sản phẩm chè của Yên Bái đang ngày càng khẳng định được vị thế, thương hiệu trên thị trường và niềm tin của người tiêu dùng.
Hoài Anh
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/12/344625/Dinh-vi-thuong-hieu-che-Yen-Bai.aspx