YênBái – Năm 2024, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xảy ra 14 vụ cháy trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có 8 vụ cháy gây thiệt hại gần 30 ha rừng. Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trong mùa khô hanh, các địa phương đang tăng cường các biện pháp phòng cháy, hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra.
Người dân huyện Trạm Tấu tích cực tham gia phát dọn đường băng cản lửa, chủ động PCCCR trong mùa khô hanh niên vụ 2024 – 2025
|
>> Yên Bái cần ngăn chặn cháy rừng từ đốt nương tự phát
>> Tỉnh Yên Bái yêu cầu tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng
Là xã có trên 3.000 ha diện tích rừng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy trong mùa khô hanh, trong thời gian qua, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, PCCCR, đồng thời chi trả tiền dịch vụ môi trường kịp thời cho người dân. Nhờ đó, người dân đã có ý thức hơn trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR; các vụ cháy rừng, khai lâm sản trái phép đã giảm so với các năm trước đây.
Cùng với các bản, hơn 2 km đường băng cản lửa, rộng 6 m được người dân bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha hoàn thành ngay khi mùa khô hanh niên vụ 2024 – 2025 bắt đầu. Tham gia cùng bà con trong bản phát đường băng cản lửa, ông Khang A Giàng, bản Dề Thàng cho biết: Đến mùa khô hanh, chúng tôi được trưởng bản thông báo đi phát đường băng cản lửa trên khu vực rừng của bản quản lý. Chúng tôi hăng hái tham gia ngay với mong muốn bảo vệ diện tích rừng của bản quản lý. Nếu không may có cháy xảy ra, có đường băng cản lửa thì sẽ không còn nguy cơ cháy lan sang các khu vực khác. Giữ được rừng là giữ được nguồn nước, giữ được môi trường sống trong lành. Năm nào, gia đình tôi cũng được nhận gần 2 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng nên chúng tôi quyết tâm bảo vệ rừng nghiêm ngặt.
Ông Giàng A Ly – Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha chia sẻ: Với địa hình chia cắt mạnh, thời tiết khô hanh kèm theo gió thổi mạnh tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cho người dân ký cam kết bảo vệ rừng, xã còn cử lực lượng phối hợp với các bản tổ chức rà soát, thống kê diện tích nương rẫy gần rừng, hướng dẫn nhân dân kỹ thuật đốt nương làm rẫy; huy động nhân dân tham gia phát dọn 6 đường băng cản lửa với chiều dài 8 km, tu sửa 5 chòi, lán canh lửa tại các điểm có nguy cơ cháy cao.
Xã cũng bố trí lực lượng trực 24/24 giờ, sẵn sàng huy động lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” khi có tình huống xảy ra. Đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình khai thác lâm sản trái phép, vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, PCCCR.
Ông Trần Xuân Dưỡng – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải cho biết: Để bảo vệ 80.328 ha rừng trên địa bàn, ngay từ đầu mùa khô, huyện đã chỉ đạo quyết liệt các ngành chức năng, các xã, thị trấn duy trì, tu sửa các chòi canh và lán tạm canh lửa nhằm chủ động phát hiện khi có lửa cháy trong rừng. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp PCCCR tới từng thôn bản, địa phương sẽ giúp huyện thực hiện tốt công tác PCCCR trong mùa khô năm nay.
Tương tự Mù Cang Chải, tại huyện vùng cao Trạm Tấu, mùa khô hanh gió lào thổi mạnh, đặc biệt sau bão số 3, nhiều cây rừng bị quật gãy, tạo thành thảm cây khô dưới tán rừng, rất dễ bén lửa. Để chủ động PCCCR, huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, sẵn sàng các biện pháp để ứng phó kịp thời. Ban quản lý rừng phòng hộ huyện được giao quản lý và bảo vệ diện tích rừng lớn trên địa bàn, những ngày này đã tăng cường cán bộ về cơ sở, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ, đảm bảo sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Đồng thời thời xuyên rà soát các điểm xung yếu, các lô, khoảnh có nguy cơ xảy ra cháy để kịp thời tuyên truyền, cảnh báo đến người dân, chính quyền địa phương và cán bộ trực tại địa bàn biết.
Ông Lại Văn Quang – Phó Giám đốc Ban quản lý rừng huyện Trạm Tấu cho biết: Ban đã xây dựng kế hoạch chi tiết, chủ động các biện pháp PCCCR và được UBND huyện Trạm Tấu phê duyệt. Trên cơ sở phương án được phê duyệt, Ban đã cử lực lượng cán bộ xuống bám, nắm địa bàn, thường xuyên ứng trực và sẵn sàng cho mọi tình huống, đặc biệt là những khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao để chủ động phòng chống một cách tốt nhất và hiệu quả nhất.
Ông Nguyễn Duy Sơn – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu – Nghĩa Lộ cho biết: Với vai trò cơ quan thường trực, chúng tôi đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo huyện ban hành các công điện cũng như các văn bản chỉ đạo để chủ động trong công tác PCCCR. Chúng tôi cũng thường xuyên theo dõi các thông tin dự báo, cảnh báo trên trang web của Chi cục Kiểm lâm tỉnh để kịp thời phát hiện, thông báo kịp thời và yêu cầu cán bộ kiểm lâm địa bàn duy trì trực 100% quân số, 24/24 giờ để chủ động ứng phó trong mọi tình huống.
Được biết, trong năm 2024, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 14 vụ cháy trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có 8 vụ cháy gây thiệt hại về rừng với diện tích gần 30 ha. Nguyên nhân chủ yếu do người dân đốt nương, đốt bãi chăn thả gây cháy lan vào rừng.
Ông Kiều Tư Giang – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho biết: Chi cục đã chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR, Luật Lâm nghiệp và các văn bản luật có liên quan. Đồng thời thực hiện ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR đối với người dân địa phương trên địa bàn; đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR, khai thác và lưu thông lâm sản trên địa bàn.
Cùng đó, tăng cường theo dõi, nắm bắt thông tin tình hình thời tiết để dự báo, cảnh báo cháy rừng qua các kênh thông tin đến các xã, thôn bản, các chủ rừng; tiếp tục xây dựng, tu sửa hệ thống biển cấp dự báo cháy rừng, chòi canh lửa ở những vị trí xung yếu có tầm nhìn hợp lý, lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống quan sát để theo dõi và thông báo tình hình cháy rừng trong mùa khô hanh trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng bản đồ xác định các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cháy cao để có biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR; nghiêm cấm việc đốt nương làm rẫy, đốt đồng cỏ, bãi chăn thả gia súc trong thời điểm khô hanh.
Mạnh Cường
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/12/343759/Yen-Bai-chu-dong-phong-chong-chay-rung-mua-kho.aspx