YênBái – Là huyện vùng cao với gần 80% là đồng bào Mông sinh sống, những năm qua, Trạm Tấu đã vận dụng tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi, đặc biệt là Nghị quyết số 69 và Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 – 2025, giúp bà con phát huy giá trị kinh tế những sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương, đang rất được thị trường ưa chuộng.
Mô hình chăn nuôi lợn đen đặc sản của gia đình anh Phàng A Súa, thôn Păng Dê, xã Bản Mù
|
Hộ gia đình anh Phàng A Súa, thôn Păng Dê, xã Bản Mù trước đây chăn nuôi lợn nhỏ lẻ để phục vụ gia đình và bán một vài con đủ chi tiêu vặt hàng ngày, không có tích lũy. Những năm gần đây, nhận thấy giống lợn đen bản địa được nhiều người ưa chuộng, anh Súa đã đăng ký với chính quyền xã để được hỗ trợ nuôi giống lợn này theo quy mô hàng hóa. Đầu năm 2024, được hỗ trợ 15 triệu đồng theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh cùng với nguồn vốn tích góp được, gia đình anh đã đầu tư mở rộng chuồng trại, mua thêm con giống. Đến nay, anh Súa có 3 con lợn nái, gần 30 con lợn thịt là giống lợn đen đặc sản của địa phương.
Anh Súa chia sẻ: “Về cơ bản, gia đình vẫn giữ nguyên cách chăn nuôi truyền thống của đồng bào Mông và cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn, học hỏi thêm kỹ thuật chăn nuôi khoa học để phù hợp với chăn nuôi hàng hóa. Thức ăn của lợn chỉ là bột ngô, chuối và sắn nên cứ đạt trọng lượng là có khách mua đến tận chuồng với giá lợn hơi “cắp nách” là 150 nghìn đồng/kg, lợn thịt từ 80.000 – 90.000 đồng/kg, đem lại thu nhập gần 70 triệu đồng cho gia đình mỗi năm. Từ hiệu quả nuôi lợn đặc sản, thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục phát triển ở quy mô 50 con trở lên”.
>> Văn Yên phát triển chăn nuôi theo hướng đặc sản
>> Trạm Tấu đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hóa
Trước đây, gia đình chị Thào Thị Xê, thôn Sáng Pao chỉ nuôi 1, 2 con trâu bò và chăm sóc theo cách truyền thống là chăn thả, nguồn thức ăn ít, chủ yếu là cỏ dại và lá rừng. Do vậy, trâu bò còi cọc, cho giống yếu. Nhận thấy cách kết hợp nuôi nhốt, chất lượng đàn nuôi nâng lên rõ rệt, gia đình chị Xê đã đăng ký phát triển mô hình nuôi trâu bò với quy mô trên 10 con theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh và được hỗ trợ 30 triệu đồng. Nguồn hỗ trợ này đã giúp gia đình chị đầu tư chuồng trại, mở rộng chăn nuôi.
Chị Xê cho hay: “Khi biết có chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh, gia đình đã đăng ký tham gia và mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích chuồng trại, tăng thêm số lượng để có được hiệu quả kinh tế lâu dài”.
Để bà con thấy được lợi ích từ các nghị quyết cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, ngay từ đầu năm, xã Xà Hồ đã đến từng hộ gia đình, tổ chức họp thôn để tuyên truyền vận động cũng như bình xét các hộ gia đình được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 69. Trong năm 2024, trên địa bàn xã có 10 mô hình được hỗ trợ, trong đó có 7 mô hình của các hộ gia đình và 3 mô hình của tổ hợp tác.
Ông Chớ A Sinh – Phó Chủ tịch UBND xã Xà Hồ thông tin: “Đời sống bà con Xà Hồ chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên các chính sách hỗ trợ của Nhà nước luôn là điều kiện quan trọng về cả vật chất, tinh thần để khuyến khích bà con mạnh dạn đầu tư sản xuất. Nghị quyết 69 có nhiều mức cụ thể khác nhau nên phù hợp với điều kiện của nhiều hộ, giúp người dân phần nào khắc phục những khó khăn về vốn để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo sinh kế ổn định”.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 69, huyện Trạm Tấu đã tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các đoàn thể và UBND các xã, thị trấn, tổ chức triển khai. Dựa trên nhu cầu đăng ký và nguyện vọng hỗ trợ phát triển sản xuất, các xã đã họp với người dân, khảo sát điều kiện hộ và hướng dẫn người dân viết đơn đăng ký, cam kết thực hiện các mô hình hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế của từng hộ, từng địa phương.
Năm 2024, huyện Trạm Tấu có 86 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm được hỗ trợ tổng kinh phí trên 1,7 tỷ đồng. Trong đó, có 29 cơ sở chăn nuôi trâu, bò có quy mô từ 10 con trở lên; 44 cơ sở chăn nuôi lợn có quy mô 3 con lợn nái và 20 con lợn thịt trở lên; 2 cơ sở chăn nuôi gia cầm đặc sản 300 con gà đen trở lên; 1 cơ sở chăn nuôi lợn có quy mô 5 con lợn nái và 50 con lợn thịt; 2 cơ sở chăn nuôi dê có quy mô từ 30 con trở lên và 8 tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò quy mô 20 con trở lên.
Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, phát triển nông nghiệp huyện cùng các ngành thành viên đã và đang tích cực nghiệm thu, giải ngân nguồn hỗ trợ cho các hộ, các cơ sở đảm bảo đúng quy định.
Ông Hảng A Thào – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, phát triển nông nghiệp huyện Trạm Tấu cho biết: “Trong năm 2024, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 69 và 05 của HĐND tỉnh, UBND huyện đã giao cho Trung tâm trực tiếp phụ trách và thực hiện. Qua quá trình triển khai cho thấy, bà con đã nhiệt tình tham gia và phát huy được giá trị kinh tế những sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương, đặc biệt là giống lợn đen bản địa và giống gà đen bà con đã chăn nuôi từ nhiều năm, đang rất được thị trường ưa chuộng. Đây là một hướng đi bền vững trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Trạm Tấu”.
Việc vận dụng tốt các cơ chế, chính sách trong chăn nuôi đã góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ của người dân, chất lượng đàn gia súc, gia cầm được nâng cao, đưa thêm nhiều giống mới vào sản xuất, tạo sức bật để người dân vùng cao Trạm Tấu có thêm cơ hội để phát triển kinh tế bền vững, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, thu hút và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thanh Chi
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/12/342755/Tram-Tau-van-dung-chinh-sach-phat-trien-chan-nuoi-dac-san.aspx