YênBái – Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, trong buổi thảo luận tại tổ sáng nay – 22/11, đại biểu Nguyễn Thành Trung và Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái) đã phát biểu tham gia ý kiến vào về Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (sửa đổi) Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Thành Trung phát biểu thảo luận tại tổ.
|
>> Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Quốc Luận thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
>> Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tham gia thảo luận ở tổ về Dự án Luật Dữ liệu và Luật Bảo hiểm y tế
Bổ sung chính sách ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Qua nghiên cứu dự thảo Luật, các đại biểu tán thành cao sự cần thiết việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN (sửa đổi) và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thành Trung tham gia ý kiến về chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; về đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các doanh nghiệp “đại bàng”, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)…
Theo đại biểu Trung, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Để thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phù hợp với nguyên tắc tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo phù hợp với khả năng hỗ trợ của Nhà nước trong từng thời kỳ thì việc nghiên cứu đề xuất mức thuế TNDN phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất cần thiết.
Kể từ năm 2016, tất cả các doanh nghiệp áp dụng mức thuế suất thuế TNDN là 20%, không phân biệt doanh thu trên hay dưới 20 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp nhỏ và vừa không có chính sách ưu đãi thuế TNDN riêng so với các doanh nghiệp khác…
Đại biểu Trung đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật; có thể quy định bổ sung mức thuế thấp hơn thuế suất phổ thông ưu đãi cho các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa theo thời gian xác định, đảm bảo các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều được hưởng chính sách ưu đãi.
Bên cạnh đó, căn cứ để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN là doanh thu chưa thật sự hợp lý, vì căn cứ để tính thuế là thu nhập. Quy định này làm phát sinh chi phí quản lý, cơ quan thuế phải tìm thông tin về doanh thu của doanh nghiệp. Đồng thời, với cùng quy mô doanh nghiệp, một số ngành nghề có tỷ suất lợi nhuận cao sẽ có thu nhập cao hơn, không đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp cùng quy mô.
Giữ nguyên mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với xe ô tô bán tải
Về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thành Trung nêu: Xe pick-up chở hàng cabin kép, người dân sử dụng hay gọi là xe ô tô bán tải, có quy định thời hạn sử dụng, được sử dụng chủ yếu ngoài khu vực đô thị, nông thôn, miền núi và Tây Nguyên với công năng chính là vận tải hàng hóa, phục vụ kinh doanh nhỏ và vừa, thuận tiện và đơn giản trong vận chuyển hàng hóa mà không phải sử dụng xe tải, xe thùng cồng kềnh, cần tiếp tục khuyến khích sử dụng để phát triển kinh tế.
Do đó, đại biểu đề nghị giữ nguyên mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với xe ô tô bán tải theo Luật hiện hành. Trường hợp tăng thuế thì cần đánh giá cụ thể để tránh ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư, đồng thời, điều chỉnh tỷ lệ tăng thuế phù hợp (phương án của Chính phủ trình thì mức thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 2 lần so với quy định hiện hành) và cần có lộ trình để bảo đảm tránh tăng sốc, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và việc làm của công nhân trong ngành công nghiệp ô tô cũng như việc thực hiện các cam kết ưu đãi đầu tư của Chính phủ, bảo đảm ổn định môi trường đầu tư.
Về việc giao Chính phủ thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế và không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu đề nghị không quy định nội dung này do liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế của công dân, thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp.
Đại biểu Khang Thị Mào phát biểu tham gia ý kiến về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cần tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, rượu, bia
Cũng tham gia ý kiến về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Khang Thị Mào đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá; kiến nghị cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối cùng với thuế tương đối đang áp dụng để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp với mức đủ lớn.
Theo đại biểu Mào, cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu, bổ sung thêm đối tượng chịu thuế là thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử được đánh giá có tác động tiêu cực đến sức khỏe, không kém thuốc lá điếu, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên, việc hút thuốc lá điện tử trở thành trào lưu; việc đưa thuốc lá điện tử vào danh mục hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế cao là cần thiết.
Theo tính toán của các tổ chức khoa học, nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia và rượu trên 20 độ từ mức 65% hiện nay lên mức 85% thì lượng tiêu thụ sẽ giảm khoảng 150 triệu lít bia và khoảng 3 triệu lít rượu, đồng thời thu ngân sách nhà nước tăng thêm khoảng 10.000 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu kép vừa nâng cao sức khỏe nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, tương lai của đất nước, vừa tăng thu cho ngân sách nhà nước, đại biểu Mào đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia lên 85% ngay sau khi Dự thảo Luật có hiệu lực thi hành, mỗi năm tăng thêm 5%, đạt mức tối đa 100% vào năm 2029, bao gồm cả rượu dưới 20 độ.
Tại điểm k, khoản 1, Điều 2 quy định về vàng mã, hàng mã, đại biểu Mào đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét tăng thuế vàng mã, hàng mã lên 80% để người dân hạn chế việc đốt vàng mã tràn lan, ồ ạt như hiện nay gây lãng phí và giúp Nhà nước thực hiện chính sách điều tiết tiêu dùng, giảm thiểu việc tiêu dùng hoang phí vào những loại hàng hóa, dịch vụ xa xỉ và không quá cần thiết…
Thành Trung
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/12/342269/Bo-sung-chinh-sach-uu-dai-ve-thue-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-.aspx