Cơn bão mạnh nhất 30 năm qua ở các tỉnh Bắc Bộ
Theo ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), bão số 3 vào Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) với cường độ cấp 14, giật cấp 17; Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng) cấp 13, giật cấp 14.
“Đây là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ”, ông Luận chia sẻ.
Theo thống kê sơ bộ, do ảnh hưởng của bão số 3, tại Hà Nội đã có 2 người chết, Quảng Ninh 3 người chết, Hải Dương 3 người chết. Còn thiệt hại về tài sản, những nơi tâm bão đi qua đều để lại những khung cảnh tan hoang, hậu quả nặng nề chưa thể kiểm đếm ngay trong ngày 7/9.
Sau khi bão số 3 đổ bộ, nhiều thuyền, mủng tại khu neo đậu tránh trú bão ở cầu Bài Thơ (TP Hạ Long, Quảng Ninh) bị sóng đánh chìm. Ảnh: Thạch Thảo
“Trao đổi qua điện thoại, ở Quảng Ninh thiệt hại rất nặng nề, đặc biệt là hệ thống cây xanh, cột điện, nhà tôn, mái ngói… bay hết. Đến sáng 8/9 mới có thể kiểm đếm những thiệt hại này”, ông Luận nói.
Bão số 3 sau khi đổ bộ vào Hải Phòng, Quảng Ninh, khi di chuyển qua các tỉnh Hải Dương, TP Hà Nội cũng gây thiệt hại không nhỏ cả về người và tài sản. Hàng trăm cây xanh đổ gãy la liệt trên các tuyến đường phố, nhiều công trình, trong đó có hệ thống kính ở chung cư tại Hà Nội cũng bị gió giật vỡ.
Theo PGS.TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đến hết đêm 7/9, các khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, bao gồm cả Hà Nội, vẫn sẽ chịu tác động của gió mạnh từ cơn bão số 3.
Theo ông Khiêm, từ sáng nay (8/9), khi bão di chuyển sâu vào đất liền và đi về hướng Tây, cường độ sẽ suy giảm thành áp thấp nhiệt đới và tan dần. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố nguy hiểm từ mưa lớn kéo dài, nguy cơ sạt lở đất và lũ quét.
Cảnh báo mức độ rất nguy hiểm về lũ quét, sạt lở đất
Ông Mai Văn Khiêm cho biết, trong bão số 3, một số nơi đã có lượng mưa lên đến hơn 200mm. Trong đêm 7/9 và ngày 8/9, các tỉnh khu vực phía Bắc, kể cả khu vực đồng bằng, trung du, miền núi sẽ tiếp tục có các đợt mưa lớn, có nơi mưa từ 150-250mm.
Theo ông Khiêm, với lượng mưa như vậy kéo dài đến ngày 8/9, cảnh báo mức độ rất nguy hiểm về lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra. Cụ thể, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình và Thanh Hóa.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tiếp tục nhấn mạnh đến yếu tố nguy hiểm từ hoàn lưu bão số 3 rất rộng, bao trùm cả khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
“Trong hệ thống mây rộng này có thể xuất hiện các ổ mây đối lưu gây mưa giông, lốc và gió giật xoáy, còn tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động ngoài trời”, ông Khiêm cảnh báo.
Và ngay cả với khu ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, dù bão số 3 đã đi qua, vẫn cần đề phòng hiện tượng sóng cao và nước dâng, có thể ảnh hưởng mạnh đến tàu thuyền ven bờ và hoạt động nuôi trồng thủy sản.
“Bão số 3 suy giảm thành áp thấp nhiệt đới và tan dần, nhưng từ ngày 8/9 rất phải chú ý những cảnh báo nêu trên, tuyệt đối không được chủ quan”, ông Khiêm nói.
Bão số 3 gây thiệt hại nặng tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Phạm Công
Tiếp tục cảnh báo hậu bão số 3, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) lưu ý, đối với vùng miền núi phía Bắc, cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Đồng thời tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, thông tuyến giao thông.
Ông Luận cũng nhấn mạnh các địa phương cần sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó sự cố mất an toàn hồ, đập của các hồ, đập xung yếu hoặc đang thi công.
“Chúng ta phải sẵn sàng vận hành tiêu úng khu vực trũng thấp, đô thị và khu công nghiệp. Mưa bão rất tập trung chứ không mưa rải, có thể mưa 300mm trong vòng có một ngày thì các khu đô thị như Hà Nội, khu công nghiệp sẽ có nguy cơ cao là ngập úng. Chúng ta phải vận hành khẩn trương vận hành các trạm tiêu úng. Ví dụ như Hà Nội hiện nay đang vận hành tối đa của trạm bơm tiêu Yên Sở để rút nước đi, khi mà mưa về có chỗ để chứa,” ông Luận nói.
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/hau-bao-so-3-yagi-la-lu-quet-va-sat-lo-dat-rinh-rap-2319586.html